Qua phần 1 bạn đã có thể viết được mục tiêu cho chương trình của mình và sau đây chúng ta sẽ cùng khám phá về 2 căn cứ tiếp theo. Phần này cực kỳ quan trọng bởi vì học trực tuyến sẽ rất khác với một lớp học thông thường. Theo một số khảo sát trên toàn cầu và từ gợi ý của những chuyên gia đào tạo trực tuyến trên thế giới, Công đã đúc kết được một số yếu tố chính sẽ được bật mí trong nội dung sau:
3. Căn cứ thứ 3: Thời lượng trung bình
Căn cứ này liên quan đến thời lượng trung bình của một buổi học và thời lượng tương tác cần có trong buổi học này.
Đầu tiên, thời lượng trung bình của một chuyên đề đào tạo trực tuyến nên được giới hạn từ 60 đến 90 phút. Bạn có thể hình dung, nếu mình xây dựng chuyên đề quá lâu, từ 2 tiếng đến 3 tiếng, học viên bắt buộc phải ngồi trước máy tính liên tục dẫn đến sự mệt mỏi và không thể tập trung theo dõi suốt buổi học. Bản thân chúng ta khi tham gia vào một lớp học trực tiếp thông thường, nếu ngồi liên tục suốt 3 tiếng sẽ cực kỳ mệt mỏi, uể oải và mất tập trung. Cho nên, bạn cần giới hạn chuyên đề, học phần của mình trong khoảng từ 60 – 90 phút mà thôi.
Nếu chương trình của bạn kéo dài trong suốt một buổi thì bạn nên có một khoảng nghỉ từ 10–15 phút sau mỗi 60-90 phút, hoặc bạn có thể chia khóa học thành những buổi nhỏ, mỗi buổi chỉ kéo dài từ 1,5 – 2 tiếng. Việc làm này giúp cho học viên được nghỉ ngơi và có thể tái tạo sự tập trung cho những phần tiếp theo. Hãy để cho học viên có cơ hội vận động, được thư giãn một chút sau quá trình học tập của mình.
Tiếp theo là một thông số quyết định mức độ tương tác và sự tập trung của học viên tham gia lớp học đào tạo trực tuyến. Trước khi đi sâu vào phần này, Công muốn bạn tạm dừng 30 giây để trả lời câu hỏi sau: “Theo bạn, trong việc giảng dạy trực tuyến trung bình sau thời gian bao lâu thì nên có một tương tác với học viên?”
Bạn hãy thử suy nghĩ cho mình một con số nhất định, có thể là 2 phút, 3 phút, 5 phút, 10 phút,...
Ở một lớp học trực tiếp, giảng viên và học viên có mặt trong cùng một không gian thì thường trong khoảng 8 – 10 phút sẽ có một tương tác với nhau. Nếu giảng viên cứ thuyết giảng liên tục không nghỉ thì sau 8-10 phút chắc chắn sẽ khiến học viên mất tập trung. Mặt khác, khi học trực tuyến học viên sẽ càng có nhiều cơ hội xao nhãng, chỉ cần một tích tắc là có thể lướt facebook, zalo, điện thoại, tin nhắn. Hơn thế nữa, học viên có thể tắt cam, tắt mic mà không giảng viên nào có thể kiểm soát được. Chính vì thế, nếu giảng viên không rút ngắn thời gian để tương tác khi học trực tuyến thì sẽ khiến học viên mất tập trung và điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của chương trình.

Để trả lời cho câu hỏi ở trên, có rất nhiều chuyên gia đã đưa ra một con số trung bình từ 3-5 phút. Tuy nhiên, Công muốn làm một con số khái quát hơn là cứ 4 phút cần có một tương tác với học viên, thay vì việc giảng dạy liên tục suốt buổi học. Bạn có thể tương tác với học viên qua video, qua phần chat hoặc làm bảng khảo sát,... Hãy tạo ra những tương tác nhỏ để giúp thu hút sự chú ý của học viên tới bài giảng của mình. Khi bạn nắm rõ nguyên tắc 4 phút này bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích trong quá trình thiết kế chương trình đào tạo. Chẳng hạn, chương trình có 60 phút, bạn áp dụng nguyên tắc 4 phút ( 60/4 = 15). Có nghĩa là, trong bài giảng này bạn cần có 12-15 cái tương tác ngắn với học viên. Từ đó, bạn có thể dễ dàng thiết kế nội dung chương trình và lồng ghép hài hòa những tương tác giúp cho bài giảng luôn có nhịp điệu, không bị nhàm chán và sẽ thu hút sự chú ý của học viên rất nhiều.
Công muốn nhấn mạnh để bạn chú ý hơn về 2 thông số chính của căn cứ thứ 3 chính là thời lượng trung bình của chuyên đề là từ 60-90 phút và nguyên tắc cứ 4 phút cần có một tương tác nhỏ với học viên.
4. Căn cứ thứ 4: Nền tảng công nghệ
Nền tảng mà Công muốn nói đến chính là tất cả những nền tảng mà chúng ta sử dụng. Mỗi nền tảng sẽ có những tính năng khác nhau và bạn cần nắm rõ những lợi thế, nhược điểm để ứng dụng cho phù hợp.
Đối với nền tảng của giảng viên, nếu bạn không am hiểu sâu về công nghệ thì bạn không nên áp dụng quá nhiều tình năng công cụ trong chương trình đào tạo trực tuyến của mình. Bạn cần dùng vừa đủ với những công cụ mà mình thông thạo nhất.

Có thể nhận thấy rằng phần lớn các học viên đều sẽ học qua điện thoại, cho nên cách mà bạn thiết kế chương trình sẽ khác so với việc học viên tham gia học trên máy tính. Vì thế, điều quan trọng là bạn cần quan tâm đến nền tảng, trình độ giảng viên, học viên và công nghệ, công cụ sử dụng là gì? Nắm rõ những yếu tố này thì bạn sẽ dễ dàng thiết kế được những hoạt động học tập, tính năng phù hợp nhất trong chương trình đào tạo trực tuyến của mình.
Trong nội dung của 2 phần bài viết, Công đã chia sẻ đến các bạn 4 căn cứ cực kỳ quan trọng để có thể thiết kế một chương trình đào tạo trực tuyến hiệu quả nhất:
Đối tượng học viên: những thách thức, kỳ vọng và đặc điểm của họ.
Mục tiêu học tập: cần viết cụ thể sau khóa học học viên có thể làm được gì và biết được những gì.
Thời lượng trung bình: thời lượng trung bình của chuyên đề từ 60-90 phút và sau khoảng 4 phút cần có một tương tác ngắn với học viên.
Nền tảng công nghệ: cần lưu ý đến nền tảng công nghệ của học viên, giảng viên để lựa chọn công cụ, tính năng phù hợp với giảng dạy trực tuyến.
Trước khi bắt đầu thiết kế một chương trình đào tạo trực tuyến bạn hãy lưu ý 4 căn cứ trên, cân nhắc những thông tin mình đã thu thập đủ hay không. Đừng quên theo dõi nội dung ở bài viết tiếp theo, Công sẽ chia sẻ đến bạn một cấu trúc giảng bài theo đúng tiêu chuẩn thế giới. Với cấu trúc hấp dẫn này bạn có thể áp dụng cho rất nhiều bài giảng khác nhau, từ bài giảng 15 phút, 30 phút, 1 tiếng, 2 tiếng hay thậm chí là trong một ngày. Bên cạnh đó, bạn hoàn toàn có thể áp dụng cấu trúc này một cách linh hoạt cho những bài thuyết trình trực tuyến. Hãy cùng đón đọc nội dung hấp dẫn ở bài viết sắp tới nhé.
BECOMING A SUCCESSFUL ONLINE TRAINER
Khoá học này sẽ giúp bạn tự tin thiết kế và đóng gói được chương trình đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp và làm chủ được kỹ năng giảng dạy trực tuyến tương tác cao một cách đơn giản, hiệu quả mà không phải căng thẳng, làm việc nhiều giờ và tốn nhiều năng lượng, kể cả khi bạn chưa từng thiết kế hoặc giảng dạy trực tuyến trước đây.
Tìm hiểu thêm về khoá học Tại đây
Đỗ Thành Công
Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD
Co-founder, Vietnam Learning Design Group
Comments