top of page

ỨNG DỤNG QUY LUẬT TRÍ NÃO TRONG THIẾT KẾ SLIDE BÀI GIẢNG

Đã cập nhật: 2 thg 10, 2023

Trong quá trình đào tạo và giảng dạy, có bao giờ các bạn gặp phải một trong ba tình huống sau đây hay không?

  • Không biết thiết kế slide như thế nào, không biết sắp xếp cấu trúc như thế nào, cứ đưa tất cả các thông tin lên slide.

  • Không biết các nguyên tắc, cơ sở khoa học để thiết kế slide sao cho hiệu quả.

  • Học viên phản hồi slide quá nhiều chữ, nhàm chán khiến họ quá tải khi tiếp thu.

Nếu câu trả lời là “Có”, bài viết này chính xác là dành cho bạn. Công sẽ chia sẻ với các bạn một số quy luật của não bộ và cách thức ứng dụng quy luật này trong việc thiết kế slide. Slide sẽ trở thành công cụ đắc lực, giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ theo dõi, thu hút học viên vào bài giảng chứ không phải là thứ khiến cho bài giảng bị nhàm chán.


QUY LUẬT CỦA NÃO BỘ


Trước tiên, Công muốn giới thiệu với mọi người một cuốn sách có tên “Luật trí não” của tác giả John Medina. Cuốn sách chia sẻ 12 quy luật của trí não, áp dụng cho hơn 7 tỷ người trên thế giới ở mọi độ tuổi từ trẻ con đến người lớn tuổi. 12 quy luật trí não được đề cập trong cuốn sách này bao gồm: luyện tập, tồn tại, thiết lập hệ thống thần kinh kết nối, sự chăm chú, trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ dài hạn, giấc ngủ, sự căng thẳng, kết hợp các giác quan, thị giác, giới tính, khám phá.

Cuốn sách Luật trí não của tác giả John Medina chia sẻ về 12 quy luật trí não của con người

Trong bài viết này, Công sẽ chỉ tập trung vào hai quy luật quan trọng nhất liên quan đến thiết kế slide: Sự chăm chúThị giác.


Từ hai quy luật này, Công muốn các bạn lưu ý 3 ghi nhớ quan trọng sau:

  • Não bộ của con người thường sẽ không chú ý đến những thứ nhàm chán. Não bộ sẽ rất dễ mất tập trung nếu không có sự thay đổi.

  • Não bộ của con người sẽ chú ý và tiếp thu thông tin dễ dàng hơn khi thông tin được cấu trúc hoá.

  • Khả năng học tập và ghi nhớ của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn nhiều khi sử dụng hình ảnh chứ không phải chữ viết.

3 ỨNG DỤNG QUAN TRỌNG CỦA QUY LUẬT NÃO BỘ TRONG VIỆC THIẾT KẾ SLIDE


Vậy, chúng ta sẽ áp dụng những quy luật của não bộ liên quan đến sự chăm chú và thị giác vào việc thiết kế slide như thế nào?


Ứng dụng 1: Não bộ không tập trung được vào những thứ nhàm chán


Một trong những lỗi phổ biến nhất trong thiết kế slide mà Công quan sát được là mọi người có xu hướng chọn cấu trúc slide như sau: một trang trắng, tiêu đề, các gạch đầu dòng thể hiện nội dung. Nếu chỉ có một vài slide thì không vấn đề gì, nhưng nếu có hàng chục slide giống nhau như vậy, đặt mình vào vị trí của học viên, các bạn sẽ thấy slide rất nhàm chán và học viên sẽ khó tập trung. Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn sáng ăn phở, chiều ăn phở, ngày hôm sau lại ăn phở, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy chán thôi.

Ví dụ về một slide nhàm chán với bố cục lặp đi lặp lại

Vì vậy, các bạn cần nhớ slide cần phải linh hoạt thay đổi và có điểm nhấn để không bị nhàm chán. Cách làm rất đơn giản:

Thay đổi màu chữ là cách đơn giản để tránh sự nhàm chán cho slide
  • Hãy nhấn mạnh các từ khoá quan trọng bằng cách đổi màu chữ. Việc thay đổi màu chữ sẽ giúp thu hút sự chú ý của học viên, ánh mắt của học viên sẽ ngay lập tức tập trung vào từ khoá đó.


Có rất nhiều bố cục slide khác nhau. Hãy thay đổi bố cục để tạo sự mới mẻ cho slide của mình
  • Thay đổi cấu trúc, bố cục của slide. Các bạn hãy thay đổi bố cục của slide bằng cách lồng ghép hình ảnh, hoặc thay đổi cách sắp xếp thông tin trên slide.




Ứng dụng 2: Não bộ sẽ chú ý vào những thông tin được cấu trúc hoá


Chúng ta thường chú ý cũng như ghi nhớ tốt hơn những thông tin được cấu trúc hoá. Ví dụ, các bạn có thể thấy tất cả các cuốn sách đều có phần mục lục. Mục lục chính là nội dung cuốn sách đã được cấu trúc hoá thành các ý chính và các ý nhỏ hơn, giúp người đọc dễ dàng hình dung được toàn bộ nội dung của cuốn sách.


Sai lầm của nhiều giảng viên khi thiết kế slide là không cấu trúc hoá, dẫn đến việc cứ trình bày liên tục từng ý một. Điều này khiến học viên không biết thông tin họ nghe đang ở phần nào, không hình dung được bức tranh toàn cảnh và bị rối.


Do đó, khi thiết kế slide, các bạn cần phải sắp xếp thông tin theo cấu trúc từ tổng quan đến chi tiết, giống như trình bày bố cục một cuốn sách vậy. Nhờ đó, học viên sẽ ghi nhớ thông tin tốt hơn nhiều.

Ví dụ về cách sắp xếp thông tin từ tổng quan đến chi tiết trong một slide bài giảng của Công

Ứng dụng 3: Não bộ học tập và ghi nhớ nội dung hiệu quả nhất qua hình ảnh, chứ không phải qua chữ viết.


Một sai lầm khác của nhiều giảng viên là đưa rất nhiều chữ vào slide và kỳ vọng học viên sẽ nhớ và hiểu. Nhưng rất tiếc, phần lớn học viên sẽ quên các thông tin này rất nhanh vì cơ chế ghi nhớ của bộ não rất khó ghi nhớ thông tin ở dạng chữ viết. Thay vào đó, não bộ sẽ ghi nhớ tốt hơn qua hình ảnh.


Hãy hình dung rằng mình đang học cách thắt cà vạt. Một bên là đoạn văn bản mô tả 6 bước rất chi tiết với rất nhiều chữ. Mình phải vừa đọc, vừa hình dung ra cách làm. Sau khi đọc xong, Công tin chắc các bạn sẽ không biết phải làm như thế nào.

Slide hướng dẫn thắt cà vạt bằng text vừa dài dòng vừa khiến người học khó hình dung cách làm

Thế nhưng, nếu đổi lại, cũng là hướng dẫn thắt cà vạt nhưng được thể hiện bằng hình ảnh thì sao? Rất dễ phải không, chỉ cần xem hình là chúng ta có thể hình dung ra cách làm ngay lập tức. Đây chính là sức mạnh của hình ảnh.

Thay toàn bộ chữ viết bằng hình ảnh giúp người học dễ dàng hình dung các bước thắt cà vạt

Vì vậy, hãy tối đa hoá việc sử dụng hình ảnh, video trong slide của mình.


Công đã chia sẻ với các bạn 3 ứng dụng của quy luật trí não trong việc thiết kế slide bài giảng. Hãy lưu ý: thay vì đưa quá nhiều thông tin, hãy sử dụng đa dạng các bố cục, nhấn mạnh các từ khoá quan trọng; luôn cấu trúc thông tin theo nguyên tắc từ tổng quan đến chi tiết và tối đa hoá việc sử dụng nhiều hình ảnh trực quan, video.


Hi vọng qua bài viết này, các bạn có thể áp dụng quy luật trí não vào thiết kế slide, giúp slide hấp dẫn, thu hút và hiệu quả hơn.

Đỗ Thành Công

Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD



Comments


bottom of page