Ai cũng biết rằng, trong các lớp học trực tuyến, sự hứng thú, tương tác của người học là chìa khoá mang lại hiệu quả cho chương trình giảng dạy. Việc giúp người học tò mò, thoải mái và gắn kết sẽ giúp người học ghi nhớ nhiều hơn và áp dụng nội dung tốt hơn, mang lại lợi ích cho cả nhóm và tổ chức của bạn. Tuy nhiên, việc tìm ra cách để thu hút người học có thể là thách thức lớn đối với nhiều người dạy, đặc biệt là những người mới chuyển từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tuyến.
Trước khi cung cấp cho bạn một vài gợi ý giúp tăng sự tương tác trong lớp học trực tuyến, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về ba khía cạnh khác nhau của Sự hứng thú của người học (theo tài liệu từ InSync Training). Việc xem xét tất cả các khía cạnh này sẽ giúp bạn tạo ra một bài giảng thu hút và gắn kết người học.
Khía cạnh cảm xúc: Khía cạnh này đề cập đến cảm giác thân thuộc, sự tập trung và nhiệt tình của người học trực tuyến. Để đạt được sự gắn kết về mặt cảm xúc của người học, giảng viên cần phải thiết kế nội dung giảng dạy khuyến khích sự hợp tác, thảo luận và giao tiếp giữa những người học. Những người học cảm thấy họ là một phần của cuộc thảo luận và của trải nghiệm sẽ có nhiều khả năng gắn kết về mặt cảm xúc hơn.
Khía cạnh trí tuệ: Khía cạnh trí tuệ đề cập đến sự say mê và tò mò của người học trong lớp học trực tuyến. Bằng cách cung cấp nội dung chất lượng cao, thú vị và kích thích trí tuệ, bạn thu hút người học và khơi dậy động lực để họ tiếp tục đào tạo và áp dụng nó vào công việc của họ.
Khía cạnh môi trường: Khía cạnh này đề cập đến mọi vấn đề trong buổi học, bao gồm công nghệ, khả năng tiếp cận tài liệu, thông tin, cũng như những vấn đề có thể xảy ra. Với hình thức giảng dạy trực tuyến, khía cạnh môi trường có thể khó kiểm soát hơn, nhưng bạn có thể tối ưu hoá bằng cách lựa chọn các nền tảng, công cụ, phần mềm phù hợp.
Sau đây là 11 gợi ý giúp bạn tăng sự tương tác trong lớp học trực tuyến.
1. Đặt mục tiêu và kỳ vọng rõ ràng
Trước khi đi vào phần nội dung của khoá học, hãy dành thời gian chia sẻ rõ ràng mục tiêu của khoá học và những kỳ vọng của bạn đối với người học. Như vậy, bạn sẽ tránh được những hiểu nhầm không đáng có, cũng như thống nhất quan điểm với học viên. Đồng thời, điều này cũng giúp người học cảm thấy được hoà nhập, gắn kết về mặt cảm xúc và hào hứng cộng tác.
Với từng buổi học, hãy đưa ra cái nhìn tổng quan và mục tiêu, giúp người học xác định những gì cần đạt được trong buổi học đó.
2. Đảm bảo tất cả nội dung đều được thiết kế để hỗ trợ mục tiêu chính
Việc dạy và học trong môi trường trực tuyến đặt ra những thách thức đặc biệt, bao gồm cả cảm giác kiệt sức vì phải sử dụng webcam và nhìn chằm chằm vào màn hình hàng giờ liền. Trong buổi học trực tuyến, nếu người học không có sự gắn kết, họ có thể dễ dàng bị sao nhãng.
Để tránh tạo ra cảm giác mệt mỏi cho người học, giảng viên nên lựa chọn cẩn thận nội dung giảng dạy. Chỉ nên chọn những nội dung cần thiết và phù hợp nhất - nội dung cần được thiết kế để hỗ trợ mục tiêu chính. Tránh việc đưa quá nhiều thông tin vụn vặt, không cần thiết khiến người học mệt mỏi.
3. Thu hút người học trong vòng 5 phút đầu tiên
Việc thiết lập kết nối với người học một cách nhanh chóng sẽ giúp họ sớm tập trung về mặt cảm xúc. Bạn có thể bắt đầu bằng các hoạt động tương tác. Sau đó, hãy duy trì sự tương tác và năng lượng đó trong suốt buổi học.
4. Thiết kế nội dung học tập kết hợp
Giảng viên cần điều chỉnh nội dung học tập phù hợp với nhu cầu của học viên. Nội dung học tập có thể được thiết kế kết hợp trực tiếp-trực tuyến, tài liệu tự học,… Điều này giúp tạo sự đa dạng, linh hoạt, do đó duy trì sự hứng thú học tập của học viên.
Việc thiết kế nội dung học tập kết hợp cũng có thể tăng cường khả năng tiếp thu của học viên. Ví dụ: lập nhóm facebook có thể cho phép mọi người học hỏi lẫn nhau thông qua các bài tập, câu hỏi và thảo luận sau mỗi buổi học.
5. Khuyến khích sự tham gia của học viên thông qua các câu hỏi
Bạn có thể giúp người nghe không bị phân tâm bởi những thứ khác (khía cạnh môi trường), chán nản (khía cạnh cảm xúc) và lơ đãng (khía cạnh trí tuệ) bằng cách đặt câu hỏi. Điều này không chỉ giúp thu hút sự chú ý của người học, khiến họ cảm thấy như mình là một phần của trải nghiệm, mà còn mang lại kết quả giao tiếp phù hợp và hiệu quả hơn giữa giảng viên và người học.
6. Sử dụng công cụ để tương tác
Hãy dành chút thời gian để kiểm tra xem nền tảng học tập trực tuyến bạn đang sử dụng cung cấp những công cụ tương tác nào. Hãy cố gắng kết hợp một vài công cụ tương tác này vào các buổi đào tạo của bạn. Yêu cầu người tham gia hoàn thành cuộc thăm dò ý kiến, đưa ra biểu tượng cảm xúc có dấu kiểm màu xanh lá cây để biểu thị sự hiểu biết hoặc giơ tay khi đặt câu hỏi giúp người học tỉnh táo, tập trung và tham gia nhiều hơn vào lớp học. Bạn chỉ cần đảm bảo rằng các hoạt động bạn kết hợp có liên quan đến nội dung và mục tiêu, được lên kế hoạch phù hợp với quy mô lớp.
7. Thường xuyên tương tác
Cố gắng đặt câu hỏi hoặc có hoạt động tương tác sau mỗi 3-5 phút để giúp thu hút sự chú ý của người. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng các câu hỏi và hoạt động tương tác này phải được thiết kế phù hợp, tránh việc tạo ra quá nhiều tương tác thừa, khiến người học xao nhãng và mất hứng thú.
8. Dành thời gian cho các cuộc thảo luận
Sự tương tác không nhất thiết chỉ giới hạn ở các câu hỏi và hoạt động. Các cuộc thảo luận có thể là một lựa chọn tuyệt vời khuyến khích sự giao tiếp lẫn nhau giữa người học và giảng viên, kích thích sự tham gia trí tuệ và khuyến khích người học tham gia nhiều hơn về mặt cảm xúc vào nội dung. Các cuộc thảo luận cũng giúp giảng viên đánh giá những gì học viên đã biết về nội dung cũng như những kiến thức họ đã học được hoặc bỏ sót trong khóa đào tạo.
Hãy đảm bảo rằng bạn lên kế hoạch thảo luận phù hợp với quy mô lớp. Bạn có thể cho lớp thảo luận trong nhóm chung hoặc sử dụng chức năng chia nhóm (breakout room).
9. Kết hợp chia nhóm thảo luận và các hoạt động
Chia nhóm thành các nhóm nhỏ hơn để thảo luận hoặc thực hiện các hoạt động là một cách tuyệt vời để thúc đẩy sự tương tác. Việc chia nhóm không chỉ giúp học viên có cơ hội chia sẻ nhiều hơn, mà còn giúp học viên thoải mái hơn.
Chia nhóm thảo luận thúc đẩy cả 3 khía cạnh:Về mặt trí tuệ, thảo luận nhóm giúp kích thích sự hứng thú, khiến người học phải suy nghĩ và chia sẻ quan điểm. Về mặt cảm xúc, thảo luận nhóm giúp người học thấy mình có vai trò quan trọng, được đóng góp ý kiến. Về mặt môi trường, người học sẽ phải tập trung hơn.
10. Nghỉ giải lao
Việc nhìn liên tục vào màn hình sẽ khiến cả giảng viên và người học mệt mỏi, ngay cả khi nội dung và hoạt động rất đa dạng. Hãy thiết kế các giờ giải lao, giúp người học phục hồi tinh thần, giãn cơ, lấy nước, đồ ăn nhẹ,…
11. Sử dụng Microlearning
Bạn có thể tạo ra các bài học ngắn (microlearning) kết hợp với buổi học với nội dung dài. Microlearning khai thác những thông tin ngắn gọn, súc tích. Việc học các phần nội dung nhỏ hơn giúp người học tập trung và ghi nhớ những gì họ đã học. Vì vậy, đây là một chiến lược tuyệt vời để thúc đẩy sự tham gia của người học trong lớp học trực tuyến.
Nguồn tham khảo: Insync Training - Dịch bởi Đỗ Thành Công
Đỗ Thành Công
Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD
Co-founder, Vietnam Learning Design Group
Comments