Bạn đang là một người làm đào tạo, một người tham vấn, hoặc là một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, và bạn đang muốn thiết kế, đóng gói, triển khai các khoá học trực tuyến của mình? Vậy thì, một trong những điều quan trọng bạn cần phải lưu tâm và để ý đó là nắm bắt được các xu hướng học tập trực tuyến mới nhất hiện nay. Từ đó, chúng ta sẽ không bị lạc hậu, luôn chủ động và tiên phong khi thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo phù hợp với đối tượng học viên. Đặc biệt trông bối cảnh mọi thứ thay đổi rất nhanh như hiện nay.
Hôm nay, Công sẽ chia sẻ về 3 xu hướng học tập trực tuyến mới nhất trên thế giới. Từ đó, bạn có thể tự tin để triển khai các khoa học trực tuyến và có một nguồn doanh thu tương đối tốt từ chính chương trình đào tạo của mình.
3 xu hướng Công chia sẻ được tham khảo và chọn lọc trong báo cáo chi tiết của Thinkific, một trong những nền tảng phổ biến nhất trên thế giới giúp khởi tạo và bán khác khóa học trực tuyến. Thinkific đã tiến hành khảo sát hơn 2.000 người chuyên gia, các cá nhân trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến và sáng tạo nội dung số tại Mỹ để đưa ra các xu hướng này.
XU HƯỚNG 1: MICRO-LEARNING
Micro-learning là xu hướng đầu tiên Công muốn chia sẻ. Micro có nghĩa là Nhỏ và Learning có nghĩa là Học tập. Vậy micro-learning nghĩa là: chia nhỏ các nội dung học tập thành các video ngắn chỉ một vài phút. Bạn hãy cố gắng truyền tải trọn vẹn một nội dung học tập chỉ trong một vài phút.
Tại sao micro-learning lại là xu hướng thứ nhất? Nguyên nhân đầu tiên là do con người chúng ta ngày càng bận rộn, chúng ta luôn than phiền về việc thiếu thời gian. Thứ hai, khả năng tập trung chú ý của chúng ta đang giảm tới mức báo động. Bằng chứng là những nền tảng video ngắn như Tik Tock, Youtube short, Facebook reel đã trở nên ngày càng phổ biến. Chúng ta đã quen với việc xem các video rất là ngắn, do vậy chúng ta rất khó để tập trung khi xem một video dài. Thứ ba, hầu hết người dùng hiện nay cả ở Việt Nam và trên thế giới đều có xu hướng sử dụng điện thoại thông minh. Khảo sát của Thinkific cho thấy, 57% người được khảo sát cho biết họ thích học trực tuyến qua điện thoại hơn là qua máy tính.
Ngoài ra, hiện nay, thị trường đào tạo trực tuyến qua điện thoại đang phát triển cực kỳ nhanh chóng. Một dự đoán cho thấy, đến năm 2026, thị phần về đào tạo trên điện thoại sẽ chiếm khoảng 1506 tỷ đô, gấp gần 4 lần so với số liệu năm 2021. Và để có thể học trực tuyến qua điện thoại, nội dung phải được chia nhỏ đủ ngắn để người học có thể học ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào.
Vậy xu hướng này có ý nghĩa gì đối với những người làm đào tạo?
Thứ nhất, khi làm các dạng nội dung ngắn, công sức để sản xuất các bài giảng sẽ nhanh hơn dễ hơn và có chi phí thấp hơn hơn rất nhiều so với việc thiết kế những chương trình dài.
Thứ hai, với hình thức micro-learning, người làm đào tạo sẽ dễ dàng thử nghiệm các ý tưởng mới hoặc các nội dung của khoá học mới. Bạn sẽ nhận được phản hồi rất nhanh từ phía học viên tiềm năng, từ đó dễ dàng điều chỉnh để phù hợp với học viên.
Thứ ba, khi làm các nội dung ngắn chúng ta sẽ dễ dàng tiếp cận học viên tiềm năng thông qua các nền tảng video ngắn như Tiktok, Youtube short hoặc Facebook reel.
XU HƯỚNG 2: CỘNG ĐỒNG
Chúng ta nên dành thời gian, công sức để xây dựng cộng đồng (Community). Học viên tiềm năng của bạn cũng chính là khách hàng. Trước đây, người ta hay nói rằng “Khách hàng sẽ đến vì nội dung của bạn, vì kiến thức kinh nghiệm của bạn. Sau đó, họ sẽ ở trong cộng đồng của bạn”. Thế nhưng, hiện nay mọi thứ đã thay đổi. Hành vi mới nhất và phổ biến nhất hiện nay của khách hàng là: họ sẽ tham gia vào cộng đồng trước, sau đó họ mới trả tiền cho những nội dung của chúng ta.
Trong khảo sát của Thinkific, 53% người được khảo sát cho biết họ ưu tiên mua các sản phẩm được giới thiệu trong một cộng đồng mà họ thuộc về. Vậy nên, có một công thức bí mật có thể giúp bạn bán các khóa học trực tuyến của mình cách hiệu quả hơn. Đó là, hãy xây dựng cộng đồng trước. Cộng đồng sẽ là sản phẩm đầu tiên, và nó cũng sẽ là tài sản vô giá của bạn về sau. Vì thế, hãy tập trung ưu tiên phát triển Cộng đồng nhé!
Xu hướng số 2 này có ý nghĩa như thế nào với những người làm đào tạo?
Thứ nhất, chúng ta cần ưu tiên thời gian và công sức để xây dựng cộng đồng. Hiện nay, chỉ mất khoảng 1 giờ là có thể tạo ra một cộng đồng trực tuyến trên các nền tảng.
Thứ hai, bạn cần dành tâm sức nỗ lực để chăm sóc và nuôi dưỡng cộng đồng thay vì ra sức đi bán khóa học.
Thứ ba, để cộng đồng phát huy tác dụng và hiệu quả, bản thân chúng ta nên là những thành viên tích cực và chủ động nhất trong cộng đồng của chính mình. Có như vậy, những người khác sẽ theo và chịu ảnh hưởng từ chúng ta.
Để có thể khai thác cộng đồng của mình một cách hiệu quả, khi phát triển cộng đồng, chúng ta nên tương tác trò chuyện với các thành viên ở trong cộng đồng đó. Nhờ vào sự tương tác này, chúng ta có thể có rất nhiều ý tưởng cho các sản phẩm hoặc nội dung cho các khoa học sắp tới. Ngoài ra, cộng đồng sẽ là nơi chúng ta bán hàng cực kỳ tốt. Tất nhiên, việc bán hàng phải rất khéo léo và tinh tế, không nên quá lộ liễu hoặc bán hàng liên tục, nếu không sẽ phản tác dụng.
Các viên trong cộng đồng hoàn toàn có thể là những người thử nghiệm đầu tiên các sản phẩm mới của chúng ta. Họ sẽ cho chúng ta những phản hồi cực kỳ ý nghĩa. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của chính chúng ta ở trong cộng đồng, các thành viên hoàn toàn có thể trở thành những case study thành công. Họ sẽ là những người có những kết quả tích cực, những thay đổi tích cực sau khi làm việc với mình. Từ đó, nâng cao uy tín của chúng ta.
Công phải chia sẻ thật là bản thân Công cũng chưa làm tốt việc xây dựng và phát triển cộng đồng. Khi đọc phần xu hướng này Công bị giật mình. Có lẽ, Công cần phải sắp xếp lại thời gian và kế hoạch của mình để phát triển cộng đồng của riêng mình.
XU HƯỚNG 3: PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN
Bạn hãy tập trung phát triển thương hiệu cá nhân của mình thay vì tập trung đưa các khoá học của mình lên các chợ khoá học đông đúc. Hiện tại, ở Việt Nam cũng như trên thế giới có rất nhiều nền tảng được gọi là “chợ khóa học”. Ở đó có hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn khóa học của rất nhiều các chuyên gia. Hãy hình dung, bạn ấp ủ một khóa học rất đặc biệt và bạn đưa khoá học đó lên một chợ khóa học. Rất nhanh chóng, khóa học của bạn sẽ chìm trong một biển hàng ngàn các khóa học khác nhau. Bạn sẽ rất khó tạo ra sự khác biệt.
Một ví dụ khác dễ hình dung hơn, bạn có một loại rau rất ngon, lại không phun thuốc trừ sâu, bạn mang vào chợ bán. Ở trong chợ cũng có hàng chục hàng cũng đang bán rau na ná của bạn. Chất lượng có thể không bằng thế nhưng với khách hàng, họ rất khó phân biệt sản phẩm của bạn khác biệt như thế nào với sản phẩm khác. Do đó, bạn rất khó tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Quay trở lại khóa học của bạn. Nếu bạn đăng khoá học lên một nền tảng, chủ đề của bạn có thể có rất nhiều người khác cũng đã từng quay video bài giảng và đã đăng lên trên đó. Các khoá học sẽ na ná giống nhau và rất khó để khách hàng thấy sự khác biệt.
Một lý do khác là, khi đưa khoá học lên một nền tảng chợ, sẽ rất khó để chúng chuyển đổi các khách hàng thành thành viên trong cộng đồng của mình. Lý do là, khách hàng bỏ tiền cho nền tảng, họ học xong họ sẽ trở thành khách hàng của nền tảng chứ không thực sự là khách hàng của chúng ta. Chúng ta cũng sẽ khó tương tác sâu, do đó khó tạo ra những trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng.
Theo nghiên cứu của Thinkific, 65% người được khảo sát cho biết họ được truyền cảm hứng và động lực bởi nội dung của khoá học, chỉ có 8% được truyền cảm hứng bởi nền tảng. Rõ ràng, nội dung quan trọng hơn nền tảng. Và nội dung thì đến từ phong cách, thương hiệu cá nhân của riêng chúng ta.
Cuối cùng, chúng ta sẽ có sự chủ động hoàn toàn từ đầu đến cuối cả về mặt doanh thu. Từ đó, mô hình kinh doanh sẽ hiệu quả hơn.
Xu hướng số 3 này có ý nghĩa như thế nào với những người làm đào tạo?
Thứ nhất, các chợ khoá học có thể là điểm khởi đầu cho những người mới. Thế nhưng, về lâu dài, nếu bạn thực sự muốn phát triển kinh doanh liên quan đến các khoá học trực tuyến, bạn nên cân nhắc về việc mình sẽ xây các kênh riêng của mình và tập trung phát triển thương hiệu cá nhân.
Thứ hai, nội dung quan trọng hơn nền tảng. Bạn hãy tập trung tạo ra giá trị từ các nội dung của khoá học thay vì quá tập trung vào nền tảng.
Thứ ba, bạn nên tập trung phát triển và thương hiệu cá nhân của mình. Khi chúng ta có uy tín, chúng ta sẽ có rất nhiều các thành viên, họ sẽ giúp bạn có một mô hình kinh doanh các khoá học ổn định, không bị phụ thuộc vào nền tảng.
Công đã chia sẻ với các bạn 3 xu hướng mới nhất liên quan đến học tập trực tuyến trên thế giới. Công có thể tóm tắt 3 xu hướng này thành 3 từ khoá đơn giản: Tiện lợi - Cộng đồng - Nội dung, Thương hiệu cá nhân. Tiện lợi là tạo ra các bài giảng video ngắn, nhỏ theo hình thức Micro-learning. Cộng đồng là tập trung xây dựng và phát triển cộng đồng. Nội dung, thương hiệu cá nhân là chủ động, kiểm soát nội dung cũng như thương hiệu cá nhân, đừng để bị phụ thuộc vào nền tảng nào.
Công hi vọng thông qua 3 xu hướng Công chia sẻ, các bạn sẽ có thêm ý tưởng để thiết kế và triển khai đóng gói các khoá học trực tuyến, hoặc có những điều chỉnh để phù hợp với xu hướng. Từ đó, chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt cho các khoá học, tạo ra nguồn thu nhập thụ động hiệu quả, bền vững.
Đỗ Thành Công
Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD
Co-founder, Vietnam Learning Design Group
Comentários