top of page

5 ĐIỀU KHÔNG THỂ KHÔNG BIẾT KHI THIẾT KẾ KHOÁ HỌC TRỰC TUYẾN

Đã cập nhật: 2 thg 10, 2023

Không ít người làm đào tạo đã gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi mô hình đào tạo từ lớp học trực tiếp sang các khoá học trực tuyến. Bài viết này sẽ giúp tháo gỡ phần nào những khó khăn đó và giúp các bạn chuyển đổi mô hình lớp học thành công, từ đó mang lại hiệu quả và trải nghiệm học tập tốt nhất. Đây đều là những kinh nghiệm quý báu được đúc kết bởi Nikki O’Keeffe, giảng viên nội bộ của ATD - Association for Talent Development, người đã có nhiều năm kinh nghiệm phát triển chiến lược và tầm nhìn trong lĩnh vực đào tạo.

Chia sẻ về trải nghiệm chuyển đổi mô hình từ lớp học trực tiếp sang lớp học trực tuyến, Nikki O’Keeffe cho biết, khi lần đầu tiên bắt tay vào việc thiết kế các khoá học e-learning, bà chưa bao giờ thiết kế một trải nghiệm học trực tuyến, thậm chí cũng chưa từng thao tác bất kỳ phần mềm e-learning nào. Bà vừa học vừa làm. Kết quả là, lớp học trực tuyến của bà có lúc hiệu quả, có lúc không. Trải nghiệm của học viên chỉ được đánh giá thông qua khảo sát sau khoá học và từ những buổi trò chuyện.


Nikki O’Keeffe, giảng viên nội bộ của ATD - Association for Talent Development, người đã có nhiều năm kinh nghiệm phát triển chiến lược và tầm nhìn trong lĩnh vực đào tạo

Bà đã không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng một chương trình học trực tuyến không chỉ đơn thuần là việc chuẩn bị slide Power Point. Thay vào đó, người học cần trải nghiệm các tình huống thực tế, làm các nhiệm vụ và nhận phản hồi trong quá trình thực hiện. Từ đó, bà đã đúc kết được 5 bài học quý giá trong việc thiết kế và phát triển các chương trình đào tạo trực tuyến 1. Tận dụng các nguồn tài nguyên đào tạo Tài nguyên đào tạo rất phong phú và bạn hãy tận dụng nó. Nikki đã giới thiệu 2 nguồn tài nguyên yêu thích của bà là ZEEF, nơi giới thiệu cho bạn những công cụ học trực tuyến tốt nhất và Articulate E-learning Heroes, nơi gợi ý cho bạn các ví dụ, thử thách và một diễn đàn để những người làm đào tạo trao đổi với nhau. Nikki khuyến khích việc tham gia các chương trình đào tạo thiết kế khoá học trực tuyến để hiểu các nguyên tắc cơ bản trong đào tạo trực tuyến, được học các công cụ mới nhất và tốt nhất. Không những thế, khi tham gia các chương trình này, bạn còn có cơ hội gặp gỡ với những người đồng nghiệp cùng chí hướng.

2. Đánh giá quy mô và sự đa dạng bộ kỹ năng của bạn


Hãy đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Nếu bạn không thể thành thạo tất cả kỹ năng cần thiết, hãy xem xét việc thuê chuyên gia để làm.

Bạn sẽ cần phải bổ sung rất nhiều kỹ năng mới. Bạn sẽ không chỉ đơn thuần là giảng viên, người thiết kế khoá học, mà còn là người thiết kế đồ hoạ, người viết, người đánh giá quy trình… Bạn sẽ phải đảm nhiệm tất cả vai trò này khi thiết kế và phát triển một khóa học trực tuyến.


Hãy đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Nếu bạn không thể thành thạo tất cả kỹ năng cần thiết, hãy xem xét việc thuê chuyên gia để làm.

3. Kiểm tra kỹ trước khi triển khai chương trình

Với Nikki, việc kiểm tra mọi thứ thật kỹ trước khi triển khai chương trình là cực kỳ cần thiết. Bà chia sẻ, có lần bà đã triển khai một loạt mô-đun học trực tuyến mà không có đánh giá quy trình và thử nghiệm đầy đủ do thời gian eo hẹp. Kết quả là, bà nhận được hàng loạt email từ học viên về những lỗi họ gặp trong quá trình học: không chạy được slide, chương trình gửi đi gửi lại một thông tin...

4. Quản lý tài liệu cẩn thận và khoa học

Luôn lưu trữ và quản lý các tệp tài liệu thiết kế khoá học. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức khi muốn sửa đổi, hoặc cập nhật nội dung. Đã có trường hợp, chỉ vì không lưu trữ tài liệu cẩn thận, giảng viên đã phải xây dựng lại toàn bộ khoá học chỉ để sửa một chi tiết nhỏ.

5. Thành thạo công cụ & phần mềm thiết kế là không đủ

Đừng quá tự tin khi bạn đã có thể sử dụng thành thạo các công cụ (authoring tools) thiết kế. Kiến thức kỹ thuật chỉ là một phần, tư duy thiết kế mới là điều bạn nên ưu tiên. Tư duy thiết kế tốt sẽ giúp bạn thiết kế một chương trình học tốt. Đừng thiết kế một khoá học với các thao tác quá phức tạp hay chỉ tập trung vào các bài kiểm tra trí nhớ. Hãy dựa vào nhu cầu của học viên và thiết kế một khoá học đáp ứng đúng nhu cầu của họ.

Ngoài 5 điều trên, trong quá trình giảng dạy, ai cũng cần ghi nhớ 7 gạch đầu dòng sau:

  • Luôn kiểm tra xem học viên có hiểu bài hay không. Hãy hỏi các câu hỏi, yêu cầu học viên trả lời trực tiếp, qua ô chat hoặc tương tác bằng các biểu tượng cảm xúc.

  • Tương tác thường xuyên trong quá trình dạy. Hãy sử dụng tên của học viên.

  • Sử dụng tính năng chia nhóm (breakout rooms) để chia lớp thành các nhóm nhỏ.

  • Luôn bật webcam và khuyến khích người học bật webcam trong suốt quá trình học.

  • Nên có một trợ lý giúp bạn điều phối lớp học, hỗ trợ các vấn đề về kỹ thuật.

  • Chia nhỏ các buổi đào tạo thành các phần ngắn. Đừng ép người học phải tham gia một buổi học kéo dài 8 tiếng.

  • Ghi hình lại buổi học. Bản record có thể được gửi lại cho học viên sau buổi học, hoặc bạn có thể tái sử dụng bản record cho các khoá học khác.

Nguồn tham khảo ATD - Dịch bởi Đỗ Thành Công


Đỗ Thành Công

Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD

Comentarios


bottom of page