top of page

CẤU TRÚC MỌI BÀI GIẢNG THEO "ROPES"

Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, các giảng viên hoặc người thiết kế chương trình cần phải biết cấu trúc các nội dung bài giảng một cách logic, phù hợp và giúp cho học viên tiếp nhận kiến thức cũng như thực hành được kỹ năng một cách hiệu quả. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng khám phá một cấu trúc bài giảng theo tiêu chuẩn của thế giới, bạn có thể ứng dụng nó trong hầu hết các chương trình đào tạo của mình.

ROPES sử dụng hiệu quả nhất trong lớp học trực tiếp, nhưng cũng có thể sử dụng để xây dựng các bài học e-learning.

ROPES là một cấu trúc bài giảng được thiết kế rất tối ưu để giúp đạt được các mục tiêu học tập hiệu quả. Cấu trúc này được thiết kế để giúp giảng viên/người điều phối có thể dễ dàng đào tạo một chủ đề mới (kiến thức, kỹ năng, thái độ) tới người học, từ đó giúp cho chương trình đào tạo được xây dựng và triển khai hiệu quả. Nội dung được truyền tải theo một quy trình đơn giản theo các bước để giúp việc học diễn ra hiệu quả. ROPES sử dụng hiệu quả nhất trong lớp học trực tiếp, nhưng cũng có thể sử dụng để xây dựng các bài học e-learning.

Ghi chú: ROPES được ATD (Hiệp hội phát triển nhân tài toàn cầu) sử dụng để cấu trúc hoá các bài giảng của họ trong các chương trình đào tạo toàn cầu.
ROPES là viết tắt của các từ khoá sau:
Review & Related - Ôn tập & Liên kết
Overview - Tổng quan
Presentation - Trình bày
Exercise - Thực hành
Summary - Tổng kết

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết về cấu trúc này nhé.


1. REVIEW & RELATE


Bước đầu tiên trong cấu trúc ROPES là hoạt động Ôn tập và Liên kết.

Giảng viên cần biết thông tin về các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sẵn có của học viên để tạo ra một sự kết nối giữa các điều họ đã biết với chủ đề hoặc nội dung mà họ sẽ được giới thiệu trong chương trình đào tạo. Nếu chương trình đào tạo có nhiều buổi học thì ở phần này, giảng viên có thể giúp học viên ôn tập và nhắc nhớ lại những kiến thức và nội dung đã học vào buổi trước.


Bước này sẽ giúp cho học viên bắt đầu nghĩ xem chủ đề đào tạo sẽ liên quan như thế nào với những gì họ đã biết. Từ đó, nó cũng giúp cho học viên tập trung hơn và học tập hiệu quả hơn. Nếu giảng viên ngay lập tức giảng dạy vào nội dung mà không liên quan hoặc liên kết gì với những gì học viên biết, nó sẽ khiến học viên mất nhiều thời gian để hiểu và xử lý các thông tin được tiếp nhận.

Bước Review và liên kết sẽ giúp cho học viên bắt đầu nghĩ xem chủ đề đào tạo sẽ liên quan như thế nào với những gì họ đã biết.

Một số hoạt động giảng viên có thể làm ở phần này:

  • Giới thiệu về chủ đề

  • Điều phối hoạt động giới thiệu, làm quen để học viên cởi mở và thoải mái trao đổi

  • Hỏi/Khảo sát về sự quen thuộc, kiến thức và kinh nghiệm của học viên với chủ đề

  • Khuyến khích học viên chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm cũ của mình về chủ đề

2. OVERVIEW


Bước 2 trong cấu trúc ROPES là Overview (Tổng quan). Ở bước này, giảng viên/điều phối viên sẽ trình bày về mục tiêu học tập và các nội dung chính được triển khai trong chương trình đào tạo. Đồng thời, giảng viên cũng nhấn mạnh về những lợi ích và tầm quan trọng của các nội dung đào tạo đối với học viên để giúp họ có động lực và sự hứng thú khi tham gia học.


Mục đích của bước này là cung cấp cho người học một bức tranh tổng quan về những gì sẽ diễn ra trong chương trình đào tạo, từ đó giúp gắn kết và tạo động lực học tập cho học viên.

Các hoạt động có thể triển khai trong phần này:

  • Chia sẻ cụ thể về mục tiêu học tập và kết quả đầu ra

  • Trình bày các nội dung chính và tổng quan về các hoạt động sẽ diễn ra

  • Giải thích tại sao việc học chủ đề này là quan trọng và hữu ích với học viên.

3. PRESENTATION


Đến bước này, giảng viên/điều phối viên sẽ trình bày và truyền tải các thông tin mới tới học viên. Đó có thể là kiến thức, kỹ năng hoặc thái độ mà học viên sẽ cần có để đủ năng lực đạt được các mục tiêu đầu ra của chương trình đào tạo.


Mục đích của bước này là kết nối nội dung đào tạo tới học viên, giúp cho họ có thể hiểu các thông tin một cách rõ ràng và biết cách làm sao để sử dụng chúng hiệu quả


Có rất nhiều hoạt động có thể triển khai trong bước này:

  • Mô tả các định nghĩa tổng quan

  • Thảo luận về cách ứng dụng

  • Mô tả cách thực hiện

  • Làm mẫu các bước

  • Đưa ra các ví dụ

  • Chia nội dung lớn thành các nhóm thông tin nhỏ hơn

  • Sử dụng các hình ảnh/video trực quan để thể hiện nội dung

  • Thảo luận nhóm theo hướng dẫn

  • Đọc tài liệu/bài tập

4. EXERCISE


Đây là bước mà người học sẽ có cơ hội thực hành để áp dụng các kiến thức, kỹ năng mới vào trong bối cảnh mô phỏng thực tế. Bước này sẽ giúp học viên tham gia chủ động hơn thay vì chỉ là những người quan sát và lắng nghe giảng viên nói.


Với các lớp học kỹ năng thì bước này là bước BẮT BUỘC PHẢI CÓ để giúp học viên có thể LÀM được kỹ năng, thay vì chỉ biết lý thuyết.


Mục đích của bước này là giúp cho học viên có thể thực hành và sử dụng ngay các thông tin mới để hình thành kỹ năng của riêng họ.

Exercise là bước mà người học sẽ có cơ hội thực hành để áp dụng các kiến thức, kỹ năng mới vào trong bối cảnh mô phỏng thực tế.

Các hoạt động có thể triển khai trong phần này:

  • Điều phối và triển khai hoạt động cho học viên

  • Tạo cơ hội để học viên áp dụng kiến thức hoặc thực hành kỹ năng

  • Quan sát học viên thực hành và đặt câu hỏi

  • Cung cấp các phản hồi dựa vào phần kết quả thực hành của học viên

  • Tạo ra các dự án để học viên thực hiện

  • Thảo luận các tình huống cụ thể

  • Chơi các trò chơi liên quan

  • Tổ chức hoạt động cho học viên dạy lại kiến thức cho người khác

5. SUMMARY


Bước cuối cùng trong cấu trúc ROPES là Summary (Tổng kết). Bước này cực kỳ quan trọng vì nếu giảng viên bỏ qua, học viên có thể nhanh chóng quên ngay các nội dung đã được đào tạo và họ sẽ không rõ đâu là những nội dung trọng tâm cần phải ghi nhớ. Ở bước này, giảng viên sẽ nhắc nhớ lại các thông điệp chính và đặt câu hỏi để xác nhận mức độ hiểu và tiếp nhận của học viên.


Mục đích của bước này là nhấn mạnh các nội dung chính, xác nhận xem việc học tập có hiệu quả không cũng nhưng tổng kết lại chương trình đào tạo


Các hoạt động có thể triển khai ở phần này:

  • Ôn tập lại chủ đề

  • Tổng kết lại những điểm quan trọng

  • Đặt câu hỏi

  • Trả lời các câu hỏi, băn khoăn của viên

  • Thực hiện bài kiểm tra hoặc các câu đố kiến thức

  • Thảo luận về việc kỹ năng mới sẽ được ứng dụng như thế nào vào tình huống thực tế của học viên.

  • Giới thiệu chủ đề tiếp theo

Đối với bất cứ một chương trình đào tạo nào, bạn hoàn toàn có thể linh hoạt sử dụng cấu trúc bài giảng ROPES vào để giúp chương trình được triển khai hiệu quả và thành công.


Nó cũng sẽ giúp bạn giảm bớt nhiều thời gian phải suy nghĩ xem nên triển khai bài giảng như thế nào. Chúc bạn sẽ ứng dụng hiệu quả cấu trúc này vào bài giảng sắp tới.


Đỗ Thành Công

Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD

Comments


bottom of page