Hiện nay, có nhiều hình thức học tập đa dạng với nhiều mục đích khác nhau. Do đó, việc bạn chọn lựa được hình thức phù hợp với chương trình đào tạo hoặc khóa học của mình sẽ là một bước rất quan trọng để tạo ra trải nghiệm học tập hiệu quả cho học viên, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo cho các chương trình mà bạn thiết kế.
Trong bài viết này, Công sẽ chia sẻ tổng quan về các hình thức học tập chính quy phổ biến (face-to-face, virtual, online), đồng thời đưa ra các phân tích chi tiết về tình huống áp dụng, ưu nhược điểm của từng loại. Từ đó, bạn sẽ biết cách lựa chọn hình thức nào là phù hợp nhất với chương trình đào tạo bạn dự định triển khai.
Có 3 dạng thức học tập mà chúng ta sẽ đào sâu:
Face-to-face Learning: Cả giảng viên và học viên đều có mặt trực tiếp (mặt đối mặt) trong cùng một không gian lớp học ở cùng 1 thời điểm nhất định
Virtual Learning: Cả giảng viên và học viên đều xuất hiện cùng một thời điểm trên một nền tảng học tập trực tuyến nhưng có thể ở bất kỳ địa điểm nào, chỉ cần kết nối internet thông qua một thiết bị như máy tính hoặc điện thoại.
Online Learning (Self-paced Learning): Học viên sẽ học tập theo nhịp độ riêng của mình và chủ động về thời gian học trên một hệ thống trực tuyến. Sẽ không cần có giảng viên và các học viên khác xuất hiện đồng thời trong 1 khoảng thời gian cụ thể.
—
1. Face-to-face Learning (Học tập trực tiếp)
Việc học tập trực tiếp trong lớp học có đặc điểm là có một người hướng dẫn (giảng viên) ở cùng một địa điểm với các học viên. Nó đôi khi còn được gọi là học tập truyền thống.
Để giúp bạn quyết định xem hình thức học trực tiếp này có phải là cách thích hợp để triển khai khóa học của bạn hay không, hãy cân nhắc hai điều sau:
Hãy suy nghĩ về mục tiêu học tập của bạn và những kiến thức, kỹ năng và thái độ mà người học sẽ cần trang bị để thực hiện công việc của họ.
Dựa trên hiểu biết của bạn về các nguyên tắc học tập dành cho người trưởng thành nói chung và những gì bạn hiểu về người học của mình nói riêng.
Hình thức học tập trực tiếp này sẽ có hiệu quả tốt nhất trong các tình huống sau:
Cần ưu tiên việc xây dựng mối quan hệ và tinh thần đồng đội (teamwork) cho học viên
Mục tiêu học tập của bạn yêu cầu người học cần phải thực hiện phần thao tác trực tiếp trong một công việc cụ thể.
Người hướng dẫn (giảng viên) cần đọc các dấu hiệu phi ngôn từ cũng như các kỹ năng về giao tiếp, tương tác ở người học. Hoặc người học cần được tham gia vào các hoạt động tương tác nhóm, dựa trên những sự kết nối và giao tiếp trực tiếp.
Bạn sẽ cần đề cập đến một số nội dung nhạy cảm, bảo mật theo một cách nào đó (cần tránh các rủi ro về việc khóa học bị ghi hình lại nếu làm trực tuyến).
Việc đào tạo của bạn nhằm mục đích thay đổi thái độ bên cạnh kiến thức và kỹ năng.
Bạn cho rằng động lực của người học có thể đang thấp.
Giống như bất kỳ hình thức học tập chính quy nào, loại học tập trực tiếp (face-to-face) mang lại cả lợi ích và thách thức cho người học.
Một số lợi ích đối với người học trong môi trường lớp học trực tiếp là:
Hầu hết người học đã quen thuộc với trải nghiệm học trong một lớp học. Điều này có thể giúp họ thấy thoải mái và quen thuộc.
Việc trao đổi & chia sẻ thông tin trong lớp học có thể phong phú và linh hoạt hơn so với các hình thức khác vì người hướng dẫn và người học có thể sử dụng giọng nói và ngôn ngữ cơ thể để tương tác và trao đổi với nhau trực tiếp.
Những thách thức đối với người học chủ yếu là về mặt hậu cần, bao gồm:
Nếu học viên ở xa địa điểm đào tạo thì sẽ gặp nhiều hạn chế trong việc di chuyển cũng như việc tham gia lớp học
Hình thức này có thể sẽ đòi hỏi tốn nhiều thời gian đi lại và chuẩn bị.
2. Virtual Learning (Học tập trực tuyến ảo)
Lớp học ảo là một không gian học tập trực tuyến, nơi giảng viên và học viên cùng có mặt trong một khung thời gian nhất định, nhưng tham gia tương tác từ các địa điểm khác nhau thông qua một nền tảng trực tuyến (ví dụ như ZOOM, Google Meet,...)
Hình thức này yêu cầu cả giảng viên và người học tham gia đồng thời với nhau. Điều này sẽ khác với dạng Online Learning - tức là người học sẽ chủ động học theo thời gian riêng của bản thân, không cần cả giảng viên và học viên xuất hiện cùng một lúc.
Khi quyết định có nên sử dụng hình thức Virtual Learning hay không, bạn hãy cân nhắc những điều sau:
Đầu tiên, hãy nghĩ về những kiến thức và kỹ năng mà người học sẽ cần đạt được trong quá trình đào tạo để đáp ứng mục tiêu học tập của bạn. Hay mục tiêu là thay đổi liên quan đến thái độ.
Tiếp theo, hãy nghĩ về cách học tập của người trưởng thành và đặc biệt là nhu cầu của người học.
Dưới đây là một số tình huống phù hợp để bạn cân nhắc sử dụng hình thức học tập này:
Đối tượng người học có sự tương đồng về kiến thức về mảng nội dung sẽ đào tạo. Hình thức học tập virtual này sẽ hiệu quả khi người học có cùng nền tảng tương tự nhau về chủ đề mà bạn sẽ đào tạo.
Những người tham gia sẽ có được lợi ích từ việc tương tác với những học viên khác hoặc giảng viên. Và việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể không quan trọng bằng việc đọc, nghe hoặc nói. Hình thức học tập này có thể mang lại nhiều cơ hội kết nối với người giảng viên và với các học viên trong lớp.
Chương trình đào tạo nhằm mục đích thay đổi về thái độ bên cạnh kiến thức và kỹ năng.
Có một số yếu tố hạn chế về mặt hậu cần và chi phí tổ chức, việc sử dụng hình thức virtual learning này sẽ là một lựa chọn tối ưu
Khi học viên ở nhiều khu vực khác nhau. Việc học tập trực tuyến ảo (virtual) có thể xóa bỏ rào cản khoảng cách địa lý dễ dàng
Có rất ít người và nguồn lực hỗ trợ. Việc tổ chức một lớp học ảo có thể giúp bạn triển khai hiệu quả một chương trình đào tạo với 1 số ít giảng viên và trợ giảng
Có số lượng học viên từ trung bình đến lớn. Nhưng nó cũng có thể là một thách thức khi điều phối và triển khai các trải nghiệm học tập trực tuyến nếu số lượng quá đông.
Virtual Learning, giống như các hình thức đào tạo khác, có cả ưu điểm và thách thức đối với người học. Người học sẽ không cần phải đi xa để tham gia khóa đào tạo, điều này tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc và giúp người học có nhiều khả năng tham gia hơn. Việc học tập thường có thể chia thành các phần nhỏ hơn thay vì thời lượng nửa ngày hoặc cả ngày. Điều này có thể mang lại lợi ích cho cả việc lập kế hoạch và triển khai hoạt động học tập.
Việc triển khai các hoạt động học tập trực tuyến có thể tạo ra những tương tác & trải nghiệm thậm chí còn phong phú hơn các chương trình trong lớp học trực tiếp. Việc sử dụng các công cụ lớp học ảo như trò chuyện (chat), phòng họp nhóm (breakout room) và bảng trắng (whiteboard) và rất nhiều các công cụ khác nữa có thể mang lại sự tương tác rất mạnh mẽ trong môi trường ảo. Một số người học có thể có xu hướng tham gia hoặc chia sẻ suy nghĩ một cách cởi mở hơn dưới các hình thức như trò chuyện (chat), bảng trắng (whiteboard) và cuộc thăm dò ý kiến (poll) thay vì là ở trong lớp học trực tiếp
Những thách thức của lớp học ảo đối với người học có thể bao gồm:
Nếu lớp học ảo chưa thể hiện được sự hiệu quả và trải nghiệm tích cực, người học có thể cảm thấy việc đào tạo theo hình thức này ít quan trọng hơn đào tạo trực tiếp, khiến người học ít tham gia hơn hoặc thậm chí không tham gia.
Công nghệ có thể là thách thức: kỹ năng sử dụng công nghệ, đường truyền và các thiết bị hỗ trợ để người học tham gia.
Có nhiều chương trình diễn ra nên có thể gặp khó khăn khi sắp xếp lịch học
Người học không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể và ánh mắt như lớp học truyền thống. Điều này có thể dẫn đến sự mất kết nối, không hứng thú hoặc gặp khó khăn trong việc giao tiếp & tương tác.
3. Online Learning (Học trực tuyến - dạng tự học)
Online Learning nói về hình thức đào tạo dựa trên công nghệ thông qua máy tính, thiết bị di động, internet, mạng nội bộ hoặc công nghệ khác. Đây là hình thức đào tạo mà người học chủ động học theo thời gian và nhịp độ của bản thân. Điều này có nghĩa là người đào tạo và người học không tham gia đồng thời cùng nhau trong một khoảng thời gian nhất định.
Bạn nên sử dụng hình thức Online Learning (học trực tuyến không đồng thời) nếu:
Đối tượng tham gia có kiến thức đa dạng về các nội dung đào tạo. Hình thức này rất phù hợp với lộ trình học tập được cá nhân hóa, cho phép mỗi người học có cơ hội lướt qua các chủ đề họ đã biết và chỉ cần tập trung học những phần họ chưa biết.
Việc lặp lại các nội dung có thể hữu ích. Trong hệ thống học trực tuyến, người học có thể quay lại một chủ đề nội dung nào đó nhiều lần nếu cần mà không ảnh hưởng đến tiến độ của khóa học đối với những người tham gia khác.
Các thông tin đào tạo được tiêu chuẩn hóa và có thể dùng đi dùng lại nhiều lần.
Việc đào tạo chủ yếu là để truyền đạt kiến thức. Còn lớp học trực tiếp (face-to-face) hoặc lớp học ảo (virtual) có thể là lựa chọn tốt hơn để phát triển kỹ năng của học viên.
Những học viên ở nhiều khu vực địa lý khác nhau. Việc học trực tuyến (online learning) này là một lựa chọn tuyệt vời cho những người đang ở khắp mọi nơi trong nước hoặc quốc tế.
Có một lượng lớn học viên tham gia học tập (thay đổi liên tục về số lượng người học). Việc học online như thế này có thể mở rộng được rất nhanh và tiếp cận được nhiều người dễ dàng.
Những lợi ích của Online Learning đối với người học:
Người học có thể tham gia theo tốc độ của riêng mình và vào thời gian, địa điểm thuận tiện với cá nhân.
Bạn có thể chia việc học thành các phần nhỏ hơn thay vì hình thức học nửa ngày hoặc cả ngày.
Người học có thể thường xuyên xem lại các nội dung kiến thức mà họ được học trong khóa học.
Những thách thức của hình thức Online Learning này đối với người học có thể bao gồm:
Vì không chắc chắn về lợi ích và cam kết cụ thể nên nhiều người học thường bỏ dở giữa chừng và không có động lực để hoàn thành các khóa học online
Nếu không có sự hỗ trợ và hướng dẫn, việc thao tác và sử dụng hiệu quả nền tảng và công cụ, công nghệ học tập có thể là rào cản khi tham gia học.
Người học truyền thống không quen với việc học mà không có sự trợ giúp của người hướng dẫn hoặc giảng viên, do đó họ sẽ gặp khó khăn khi “tự học”.
Giá trị của việc học tập kết hợp (Blended Learning)
Blended Learning là sự kết hợp giữa các hình thức học tập khác nhau, ví dụ: bạn có thể kết hợp việc hướng dẫn trực tiếp trong lớp, huấn luyện trong công việc (on-the-job) và các tài nguyên học tập trực tuyến.
Việc học tập kết hợp sẽ diễn ra hiệu quả nhất khi mỗi mục tiêu học tập được kết hợp với loại hình học tập hỗ trợ tốt nhất cho mục tiêu đó. Những loại hình học tập này sau đó được sắp xếp thành một chương trình đào tạo tổng thể.
Một trong những lợi ích lớn nhất của học tập kết hợp là bạn không bị giới hạn trong một phương pháp đào tạo duy nhất nào. Điều này có nghĩa là bạn có thể tạo ra các hoạt động thực tế có ý nghĩa và phù hợp với tất cả người học.
Ví dụ, thay vì dạy lý thuyết về kỹ thuật chốt bán hàng trên lớp, bạn có thể để một học viên theo dõi một nhân viên bán hàng có kinh nghiệm hơn và xem họ chốt bán hàng. Thêm vào một số tài nguyên đọc trước hoặc tài nguyên trực tuyến, cùng với cuộc đối thoại theo kịch bản của giảng viên và bạn sẽ có được kiến thức rất thực tế và ngay lập tức.
Do vậy, khi thiết kế một chương trình đào tạo, bạn hãy dựa trên mục tiêu đầu ra mà học viên cần đạt được, từ đó sẽ lựa chọn và kết hơn các hình thức học tập đa dạng với nhau để giúp học viên học tập hiệu quả nhất, thay vì chỉ sử dụng 1 loại xuyên suốt chương trình.
Hy vọng rằng, qua bài viết này, bạn đã có được góc nhìn tổng quan về 3 hình thức học tập chính quy (face-to-face, virtual, online) cũng như các tình huống phù hợp, các ưu điểm và nhược điểm của từng loại. Từ đó, với từng loại nội dung và chương trình đào tạo khác nhau, bạn sẽ biết sử dụng loại nào là phù hợp nhất và tạo giá trị lớn nhất cho học viên.
Nguồn tham khảo: Virtual Training & Facilitation, ATD
Đỗ Thành Công
Co-founder, Vietnam Learning Design Group
Comments