Trong hơn 8 năm làm đào tạo, Công đã có cơ hội trực tiếp thiết kế rất nhiều chương trình đào tạo khác nhau, cũng như đã hỗ trợ cho rất nhiều giảng viên, Công nhận ra một “nỗi đau” mà các giảng viên, đặc biệt những người mới làm đào tạo, thường gặp phải: không chú trọng đến tài liệu học viên, mà chỉ tập trung làm slide và nội dung. Nhiều người không biết rằng khi mình không để ý đến tài liệu học viên, đôi khi trải nghiệm học tập của học viên sẽ giảm đi rất nhiều. Điều này khiến cho việc ứng dụng các kiến thức học được vào thực tế sau khóa học của học viên bị giảm đi.
Do vậy Công muốn chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm thực tế, những sai lầm xương máu của Công trong suốt quá trình làm hệ thống tài liệu cho học viên. Tất cả những gì Công chia sẻ đến từ kinh nghiệm thực tế, đến từ việc học hỏi các chương trình đào tạo về thiết kế trên thế giới, đến từ việc được trải nghiệm các lớp học từ bình thường đến xịn sò, từ lớp học trong nước đến lớp học quốc tế. Hi vọng các bạn sẽ thấy những chia sẻ này hữu ích và thiết thực, có thể ứng dụng ngay vào trong thực tế công việc của mình.
TẠI SAO CẦN PHẢI THIẾT KẾ TÀI LIỆU CHO HỌC VIÊN?
Thứ nhất, khi có tài liệu học viên song song với slide được học trong lớp học, học viên sẽ dễ theo dõi các nội dung hơn, đặc biệt là các nội dung chi tiết. Lý do là, không phải ai cũng có thể đọc tất cả nội dung trên slide, và đôi khi người học sẽ cần phải đọc thêm nhiều thông tin nữa để hỗ trợ họ trong quá trình học .
Thứ hai, khi có tài liệu học viên, học viên có thể dễ dàng ghi chép và ghi chú các thông tin trong tài liệu, cũng như họ có thể tham gia vào việc thực hành ở trên tài liệu của mình.
Thứ ba, tài liệu học viên sẽ giúp học viên ôn tập lại sau khóa học. Rất nhiều người đi học nhưng không có tài liệu học. Giảng viên nói xong, chia sẻ rất nhiều điều hay, vỗ tay vui vẻ đi về, một tuần sau quên hết luôn. Sau này, học viên muốn tham khảo lại kiến thức lại phải tìm kiếm các slide mà giảng viên đã gửi lại, hoặc đôi khi những phần ghi chú của họ không được được lưu lại ở một nơi dẫn đến việc khó theo dõi và ứng dụng kiến thức đã học.
Vì vậy, nếu các bạn thiết kế cho học viên một cuốn tài liệu mà ở đấy có không gian để cho học viên viết lách, học viên sẽ có thể vừa theo dõi các thông tin của khoá học, vừa có thể ghi chú lại và sau này, khi ôn tập, học viên mở ra là có thể nhớ lại những nội dung đã học.
Một lợi ích khác nữa là, các bạn sẽ có rất nhiều thông tin kiến thức muốn chia sẻ với học viên nhưng thời lượng trên lai lớp rất ngắn. Cuốn tài liệu chính là một phần hỗ trợ các bạn đưa các thông tin tham khảo, các kiến thức bên ngoài nội dung chính.
3 SAI LẦM PHỔ BIẾN NHẤT KHI THIẾT KẾ TÀI LIỆU HỌC VIÊN
Sai lầm đầu tiên chính là không thiết kế tài liệu học viên.
Sai lầm thứ hai là lấy nguyên nội dung slide làm tài liệu học viên. Tài liệu thậm chí lúc thì một slide một trang, 2 slide một trang. Làm như vậy, học viên có thể nhìn thấy hết thông tin có sẵn trên slide. Do đó, khi học, học viên đã biết trước nội dung từng phần. Điều này dẫn đến việc học viên mất đi sự tò mò, hứng thú với nội dung học và mất đi tương tác khi học trên lớp: chỉ ngồi nghe, không ghi chép ghi chú gì.
Sai lầm thứ ba là thiết kế tài liệu học viên rất sơ sài. Nhiều người làm đào tạo khi thiết kế tài liệu học viên, đơn giản chỉ để chỗ trống để học viên viết vào, thiếu thông tin hữu ích cho học viên. Vì vậy, khi học viên học, họ không thấy có thông tin gì hỗ trợ cho họ. Cuốn tài liệu như vậy là một cuốn tài liệu không có giá trị.
4 NGUYÊN TẮC QUAN TRỌNG KHI THIẾT KẾ TÀI LIỆU HỌC VIÊN
Để thiết kế được một bộ tài liệu học viên đúng chuẩn và chất lượng, các bạn cần nắm được 4 nguyên tắc quan trọng sau:
Nguyên tắc thứ nhất: Nội dung cần phải khác so với slide bài giảng.
Nguyên tắc thứ hai: Tài liệu cần được cấu trúc các nội dung cụ thể, có mục lục rõ ràng. Việc này giúp học viên dễ theo dõi và tra cứu.
Nguyên tắc thứ ba: Tài liệu nên có nhiều nội dung chi tiết để hỗ trợ cho học viên học tập trên lớp, cũng như là ứng dụng về sau. Tài liệu nên bao gồm tất các các form, bảng biểu, các tài liệu cần nghiên cứu thêm, nội dung mà trên lớp không có thời gian chia sẻ.
Nguyên tắc thứ tư: Tài liệu nên có các khoảng trống để học viên ghi chú, ghi chép thông tin học được trên lớp.
Bản thân Công trước đây khi học 1 chương trình của thế giới trong 7 buổi (khoá Instructional Design Certification - ATD), slide của họ cũng rất ngắn gọn, cô đọng. Thế nhưng, cuốn tài liệu của họ dài hơn 450 trang, chưa kể trong đó có thêm rất nhiều link, trích dẫn nguồn tài liệu khác cần đọc. Không những thế, trước khoá học, họ còn bắt đọc trước cuốn tài liệu khác dài khoảng gần 50 trang.
Trên đây là những điều lưu ý khi thiết kế tài liệu cho học viên: Lợi ích của tài liệu học viên, 3 sai lầm người làm đào tạo thường mắc phải và 4 nguyên tắc quan trọng giúp bạn thiết kế một tài liệu chuẩn chỉnh. Các bạn có thể tham khảo cách thức làm tài liệu từ đơn giản, phù hợp với những người chưa quen với thao tác làm tài liệu, đến cách thiết kế tài liệu học viên bài bản, chuyên nghiệp tại đây.
Đỗ Thành Công
Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD
Co-founder, Vietnam Learning Design Group
Kommentare