top of page

6 CHIẾN LƯỢC ĐỂ THIẾT KẾ MỘT LỚP HỌC TRỰC TUYẾN TƯƠNG TÁC CAO (PHẦN 1)

Bạn có biết rằng việc thiết kế chương trình kém hiệu quả là một trong những lý do chính khiến các lớp học trực tuyến trở nên nhàm chán. Để lớp học trực tuyến đạt hiệu quả cao, thu hút & gắn kết người tham gia cũng như tạo không gian học tập thoải mái, giảng viên cần thiết kế chương trình một cách kỹ lưỡng và có chủ đích.


Dù bạn đang chuyển đổi một lớp học truyền thống sang lớp học trực tuyến hay bắt đầu lại từ đầu với một chương trình mới, quy trình thiết kế chương trình giảng dạy đều giống nhau. Sau đây là 1 và mang lại hiệu quả mạnh mẽ.


6 chiến lược sau sẽ giúp bạn thiết kế một lớp học ảo có tính tương tác và hiệu quả

  1. Xác định hình thức buổi học phù hợp.

  2. Xác định mục tiêu học tập rõ ràng.

  3. Tạo ra bối cảnh và các cơ hội tương tác

  4. Lựa chọn các hoạt động để tối đa học viên có thể tham gia.

  5. Kết thúc buổi học bằng lời kêu gọi hành động.

  6. Tạo tài liệu cho giảng viên, trợ giảng và người tham gia.

1. Xác định hình thức buổi học phù hợp


Không ít giảng viên nhầm tưởng rằng, chỉ cần mở một slide trắng, bắt đầu nhập nội dung và thêm hình ảnh, hoặc lấy một slide có sẵn trong lớp học trực tiếp trước đây để sử dụng cho lớp trực tuyến, như vậy là đã có một thiết kế chương trình giảng dạy.


Cách làm này cũng giống như bạn xây một ngôi nhà bằng cách bắt đầu đào móng trước khi tạo bản thiết kế hoặc bằng cách sử dụng bản thiết kế không phù hợp với địa hình khu đất. Tất nhiên, với cách làm như vậy, bạn sẽ không thể thiết kế một chương trình hiệu quả.

Bước đầu tiên trong quá trình thiết kế một lớp học có tương tác cao là xác định xem bạn đang thiết kế bài giảng cho mục đích gì. Mục tiêu tổng thể của bạn cho lớp học này là gì? Đâu là điều bạn muốn đạt được? Bạn đang cố gắng truyền tải chủ đề gì? Thông tin nào nên được chia sẻ, hoặc kỹ năng nào cần được học?


Đồng thời, bạn cũng cần đặt câu hỏi về những người tham gia. Họ đã biết gì về chủ đề này? Họ có những kinh nghiệm gì mà bạn có thể khai thác và giúp họ bộc lộ? Những câu hỏi nào họ có thể hỏi? Họ đang gặp những khó khăn gì?


Cách tốt nhất để đạt được mục tiêu của bạn là gì? Bạn có cần một người trình bày sẽ cung cấp thông tin một chiều cho người tham gia không không? Đó có nên là một buổi học tương tác khi tất cả người tham gia đều tích cực phát biểu không? Liệu đây sẽ là một cuộc thảo luận nhóm với các câu hỏi và câu trả lời mang tính tương tác từ người tham gia? Đây có phải là lớp đào tạo nhóm nhỏ yêu cầu người tham gia phải thực hành kỹ năng cụ thể không?


Mỗi ví dụ trên đại diện cho một hình thức buổi học khác nhau và do đó đương nhiên sẽ có một kiểu thiết kế khác nhau. Sau khi xác định được mục tiêu và hình thức học, bạn có thể thiết kế phù hợp.


Nếu mục tiêu của bạn là bài thuyết trình một chiều thay vì một lớp đào tạo, bạn vẫn có thể thêm một số tính tương tác vào buổi học của mình bằng cách sử dụng các kỹ thuật để thu hút sự chú ý của học viên.


2. Xác định mục tiêu học tập rõ ràng


Bạn cần nắm chắc mục tiêu học tập của chương trình đào tạo là gì? Mục tiêu học tập sẽ nêu rõ những gì người học cần để có thể hiểu hoặc thực hiện các nhiệm vụ của chương trình học. Do đó, bằng cách xem xét kỹ lưỡng mục tiêu học tập, bạn có thể xác định cấu trúc và khung chương trình giảng dạy trực tuyến của mình.

Ghi chú: Nếu chương trình đào tạo của bạn không có mục tiêu học tập hoặc nó được viết mơ hồ và không rõ ràng, bạn hãy tạm dừng lại tại đây để viết hoặc viết lại muc jtieeu. Việc này sẽ rất xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra

Bạn cần liệt kê các mục tiêu học tập của chương trình và đặt các câu hỏi: Bạn có thể hoàn thành tất cả các mục tiêu đó trong một buổi học trực tuyến không? Hay bạn sẽ cần một chuỗi các buổi học?


Cần bao nhiêu thời gian để giúp học viên đạt được từng mục tiêu học tập?


Học viên có nên học từng phần một và áp dụng ngay vào công việc trước khi chuyển sang phần học tiếp theo không?


Nếu vậy, việc tạo một chuỗi buổi học ngắn với các bài tập thực hành xen kẽ có thể là một giải pháp hoàn hảo. Ví dụ: nếu mục tiêu của chương trình học tập là giúp thợ máy học cách vận hành và bảo trì một thiết bị thì hãy dạy họ lý thuyết và cho phép họ có thời gian kiểm tra thiết bị tại xưởng của chính họ ở giữa mỗi buổi học. Khi đó, chương trình học sẽ được chia thành nhiều phần nhỏ hơn, xen kẽ là thời gian thực hành và áp dụng.

Bạn cần liệt kê các mục tiêu học tập của chương trình và đặt các câu hỏi

Bạn cũng có thể muốn xem xét một chương trình kết hợp (blended) - một tập hợp các hoạt động học tập trong cùng một chương trình đào tạo. Ví dụ: có thể là một loạt các bài tập tự học theo nhịp độ riêng (self-paced) xen kẽ giữa các buổi học trực tuyến do người điều phối hoặc giảng viên trực tiếp hướng dẫn.


Có một số nội dung nào mà người tham gia có thể (và nên) tự học không? Hoặc liệu sự kết hợp giữa các hoạt động tự thực hiện và do người điều phối hướng dẫn có phù hợp không? Ví dụ: liệu những người tham gia có thể xem một video và sau đó cùng nhau tham gia một buổi học để thảo luận về nó không? Hoặc những người tham gia lớp học, sau đó đọc một số tài liệu tham khảo, sau đó làm việc theo nhóm nhỏ, sau đó gặp nhau để trình bày và nhận phản hồi về giải pháp của họ? Đây đều là những ví dụ về các chương trình đào tạo "kết hợp".

Lưu ý: Không thể sao chép y nguyên các chương trình giảng dạy trực tiếp cho các lớp trực tuyến. Chương trình cần được giải cấu trúc và xây dựng lại.

Nếu bạn cần biến lớp học truyền thống thành lớp học trực tuyến, hãy làm theo ba nguyên tắc cơ bản sau để thành công:

1. Bắt đầu với mục tiêu học tập. Quay lại tài liệu đào tạo đã thiết kế trước đây và xem xét lại các kết quả đầu ra. Người học nên biết gì hoặc làm được gì sau khi tham gia lớp học? Điều này chính là nền tảng cho việc đào tạo trực tuyến của bạn.

2. Xác định hình thức và hoạt động học tập để giúp đạt được các kết quả trên. Hãy xem xét việc tạo ra một giải pháp học tập với sự kết hợp của nhiều phương pháp & hoạt động. Hãy tự hỏi: Bạn có thể yêu cầu người học tự thực hiện những hoạt động nào và những hoạt động nào nên được thực hiện cùng nhau?

3. Lựa chọn các hoạt động để người tham gia có thể tham gia nhiều nhất có thể. Sử dụng các ý tưởng hoạt động từ nội dung lớp học và tận dụng tối đa các công cụ phần mềm lớp học ảo có sẵn để thu hút người tham gia học tập.

3. Tạo ra bối cảnh và các cơ hội tương tác


Một lớp học trực tuyến tương tác cao sẽ hấp dẫn ngay từ thời điểm người tham gia đăng ký khoá học. Hãy áp dụng những gạch đầu dòng sau để tạo nên một trải nghiệm học tập tích cực và tương tác cao cho người học.


Tin nhắn đầu khoá học

Giảng viên có thể bắt đầu tạo tính tương tác ngay từ tin nhắn đầu tiên gửi cho học viên về lớp học. Ví dụ: Tin nhắn gửi cho học viên khi đăng ký lớp học có thể đồng thời mời học viên thực hiện các thao tác như:

  • Tương tác với những người tham gia khác trên diễn đàn thảo luận.

  • In một tài liệu có bài tập cần thực hiện trước khi đến lớp học.

  • Trả lời một hoặc hai câu hỏi liên quan đến chủ đề, giảng viên sẽ chia sẻ các câu trả lời đó trên lớp

  • Gửi các câu hỏi về chủ đề (nếu có) cho giảng viên.

Khi gửi những yêu cầu này, hãy lưu ý đến khả năng hoàn thành của học viên. Học viên sẽ có nhiều khả năng hoàn thành các yêu cầu nếu:

  • Đây là một hoạt động có liên quan đến chủ đề và dễ thực hiện

  • Đây là một lớp học có sự hỗ trợ tích cực từ phía người quản lý lớp học - người mà luôn khích lệ và thúc đẩy họ tham gia.

  • Đó là một chủ đề trong lớp mà học viên rất có động lực tìm hiểu.

  • Đây là một chuỗi các buổi học và buổi học sắp tới không phải là sự kiện đầu tiên trong chuỗi.

Bạn luôn có thể tạo ra các tình huống cho sự tương tác và khuyến khích người học hoàn thành bằng cách tạo các yêu cầu, bài tập “ngắn gọn và hấp dẫn” - phù hợp với nội dung khóa học, nhanh chóng và dễ dàng để người học thực hiện.


Lời nhắc & thông báo

Lời nhắc & thông báo không chỉ bao gồm thông tin của lớp học mà còn bao gồm thông tin giúp người tham gia biết buổi học sẽ có tính tương tác.


Ví dụ: bạn có thể nhắn lời nhắc học viên nên chuẩn bị thực hành trong suốt buổi học và bạn mong đợi họ phản hồi thường xuyên. Nhắc họ tắt email và các ứng dụng, phần mềm khác khi bắt đầu buổi học để họ có thể tập trung hoàn toàn vào lớp học. Bằng cách truyền đạt những kỳ vọng này trước buổi học, những người tham gia sẽ không bị choáng ngợp khi được yêu cầu tham gia tích cực khi buổi học bắt đầu.

Lời nhắc & thông báo không chỉ bao gồm thông tin của lớp học mà còn bao gồm thông tin giúp người tham gia biết buổi học sẽ có tính tương tác.

Nếu có thể, tin nhắn nhắc nhở nên được gửi trực tiếp từ người hướng dẫn/giảng viên thay vì hệ thống tự động. Sự tiếp xúc cá nhân này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ giữa người hướng dẫn và người tham gia. Ngoài ra, học viên có xu hướng mở và đọc tin nhắn trực tiếp từ giảng viên nhiều hơn.


Đăng nhập

Cơ hội tiếp theo để tạo môi trường tương tác là thời điểm học viên đăng nhập vào nền tảng. Hãy nhớ, bạn phải thu hút sự chú ý của học viên ngay từ đầu trước khi lớp học diễn ra. Điều đó có nghĩa là bạn nên thiết kế chương trình bao gồm cả hoạt động giúp người học được tương tác ngay khi đăng nhập nền tảng lớp học trực tuyến.


Các hoạt động chào mừng tạo tiền đề cho sự tương tác vì chúng giúp học viên tham khảo bài tập trước khi lên lớp, xem trước chủ đề đào tạo hoặc giúp người học tìm hiểu cách sử dụng các công cụ nền tảng tương tác. Quan trọng nhất, chúng giúp người học nhận ra rằng lớp học mong đợi sự tham gia nhiệt tình của họ.


Bắt đầu lớp học

Ngay thời điểm bắt đầu lớp học trực tuyến, hãy thu hút người học bằng một bài tập hoặc hoạt động tương tác. Người học cần tương tác với công cụ và với nhau trong vòng 3 phút đầu tiên, nếu không, bạn sẽ đánh mất cơ hội tạo tiền đề cho trải nghiệm tương tác.


Ví dụ: Bạn có thể yêu cầu mọi người giới thiệu bản thân. Bạn cũng có thể đăng câu hỏi thăm dò ý kiến ​​​​có câu trả lời ngắn, yêu cầu người học nhập hoặc sử dụng các công cụ vẽ trên màn hình để hoàn thành bài tập. Ngoài ra, bạn sử dụng breakout room và giao nhiệm vụ nhóm.


Vậy là trong phần 1 của chủ đề "06 chiến lược để thiết kế lớp học trực tuyến tương tác cao", Công đã chia sẻ với bạn 03 chiến lược đầu tiên mà bạn có thể áp dụng ngay lập tức trong việc thiết kế và triển khai lớp học trực tuyến tương tác cao

  1. Xác định hình thức buổi học phù hợp.

  2. Xác định mục tiêu học tập rõ ràng.

  3. Tạo ra bối cảnh và các cơ hội tương tác

Bạn hãy viết vào phần bình luận của bài viết này về một chiến lược bạn rất tâm đắc và sẽ áp dụng ngay vào trong thực tế nhé.


Trong phần 2, Công sẽ tiếp tục chia sẻ 03 chiến lược còn lại. Bạn hãy cùng chờ đón nhé!

Đỗ Thành Công

Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD


Nguồn tham khảo cho bài viết: Virtual Training Basics, Cindy Hugget & ATD books

Comments


Để nhận những bí quyết giảng dạy trực tuyến hiệu quả, hãy đăng ký ngay tại đây

Cảm ơn bạn đã đăng ký nhận thông tin

© 2023 by Đỗ Thành Công

0984.975.164

Cầu Giấy, Hà Nội

  • LinkedIn
  • Youtube
  • Facebook
bottom of page