top of page

7 TÍNH NĂNG KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN

Đã cập nhật: 2 thg 10, 2023

Trong đào tạo trực tuyến, có thể nói công nghệ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy. Thực tế, có rất nhiều công cụ, ứng dụng giúp quá trình dạy và học trực tuyến trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn. Cindy Huggett, tư vấn độc lập, diễn giả, chuyên gia thiết kế chương trình đào tạo, giảng viên, tác giả sách với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến, đã gợi ý một vài công cụ giúp bạn thiết kế quá học trực tuyến, các hoạt động tương tác, thậm chí mô phỏng lại các hoạt động trong lớp học trực tiếp.


Bạn cũng nên biết rằng, hầu hết các chương trình phần mềm đào tạo trực tuyến đều có các tính năng và chức năng tương tự nhau. Khi chọn một nền tảng, bạn nên nghiên cứu và khám phá các đặc điểm của từng công cụ, cách chúng hoạt động, từ đó chọn ra những phần mềm, công cụ phù hợp nhất với chương trình đào tạo của mình.

Có rất nhiều công cụ, ứng dụng giúp quá trình dạy và học trực tuyến trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn.

1. Chia sẻ màn hình


Chia sẻ màn hình cho phép giảng viên hiển thị màn hình máy tính của mình cho người học. Giảng viên có thể chọn chia sẻ một chương trình phần mềm nhất định, trình duyệt web hoặc màn hình máy tính.


Mục đích của việc chia sẻ màn hình thường là để trình chiếu slide bài giảng (sử dụng Powerpoint hoặc Canva), thể hiện các tính năng của một chương trình phần mềm hoặc để chia sẻ một trang web.


Chia sẻ màn hình là một trong những tính năng được sử dụng phổ biến nhất trong một lớp học trực tuyến. Khi giảng viên chia sẻ màn hình, thực hiện các thao tác như di chuyển từ trang này sang trang khác,… người học đều có thể theo dõi được. Một số nền tảng còn cài đặt tính năng đặc biệt cho phép người học vẽ trên tài liệu.


Các phần mềm đào tạo trực tuyến hiện nay đều hỗ trợ phần chia sẻ màn hình với nhiều tính năng bổ sung, ví dụ như: Chia sẻ âm thanh, video, camera thứ 2,... Việc này giúp cho giảng viên linh hoạt chia sẻ cho học viên nhiều thông tin hữu ích và đa dạng, từ đó giúp việc học tập trực tuyến của học viên diễn ra hiệu quả hơn.


2. Trò chuyện (Chat)


Tính năng trò chuyện cho phép giảng viên và người học giao tiếp với nhau theo thời gian thực. Tính năng trò chuyện là một trong những tính năng cần thiết trong lớp học trực tuyến. Tính năng này cho phép người học gửi phản hồi, đặt câu hỏi và đưa ra nhận xét trong quá trình học.


Hầu hết các nền tảng đều cho phép giảng viên, người điều hành chọn tính năng cho phép trò chuyện riêng tư hay không. Trò chuyện riêng tư có thể được sử dụng khi lớp cần thảo luận theo cặp.


Cửa sổ trò chuyện cũng có thể hữu ích khi giảng viên muốn truyền tải thông tin cho người học trong các hoạt động. Ví dụ: trong phiên thảo luận nhóm, giảng viên có thể sử dụng cửa sổ trò chuyện để đưa ra lời nhắc về thời gian, như “Sắp hết giờ” hoặc “Đã đến lúc bắt đầu vòng hai”.


3. Chú thích (Annotation)


Tính năng chú thích cho phép giảng viên và người học vẽ và ghi chú theo thời gian thực trên các tài liệu được chia sẻ hoặc bảng trắng. Các công cụ chú thích có thể khác nhau giữa các nền tảng; tuy nhiên hầu hết đều cho phép bạn: đánh dấu các từ hoặc đồ họa, vẽ các đường nét và các hình dạng khác, vẽ tự do bằng bút chì điện tử hoặc bút đánh dấu, nhập văn bản trên màn hình.

Tính năng chú thích cho phép giảng viên và người học vẽ và ghi chú theo thời gian thực trên các tài liệu được chia sẻ hoặc bảng trắng.

Công cụ chú thích giúp bài giảng trở nên thú vị hơn, tăng tính tương tác với người học. Giảng viên có thể yêu cầu người học vẽ hoặc nhập một nội dung trên màn hình để trả lời câu hỏi hoặc đơn giản yêu cầu người học đánh dấu một thông tin có sẵn trên màn hình.


Ví dụ: khi kết thúc lớp học, giảng viên có thể dùng công cụ chú thích để yêu cầu người học chia sẻ về điều họ ấn tượng trong buổi học, việc họ muốn thực hiện sau khi kết thúc bài học, hoặc cảm nghĩ của họ về buổi học.


4. Bảng trắng (Whiteboard)


Trong đào tạo trực tuyến, bảng trắng ảo có vai trò giống bảng trắng trong lớp học, nơi giảng viên có thể viết hoặc vẽ nội dung muốn truyền tải. Mặc dù bảng trắng ban đầu thường là một trang trống, giảng viên có thể sáng tạo bằng cách thêm hình vẽ, chia ô, chia cột… để phù hợp với từng hoạt động. Bạn nên chú ý kiểm tra những tính năng của bảng trắng, xem liệu có bất kỳ hạn chế nào đối với người học khi tương tác với bảng hay không.


5. Tính năng phát biểu/ biểu tượng cảm xúc (raised hand/ status indicators)


Các giảng viên thường sử dụng tính năng này để nhận được phản hồi nhanh chóng từ người học. Ví dụ: khi giới thiệu một tính năng mới, giảng viên có thể hỏi, “Ai đã sử dụng tính năng này trước đây? Nếu bạn có, hãy 'giơ tay lên'. Hoặc giảng viên có thể hỏi, “Ai đồng ý với nhận định này? Hãy nhấp vào nút đồng ý nếu bạn đồng ý.”

Các giảng viên thường sử dụng tính năng phát biểu/ biểu tượng cảm xúc để nhận được phản hồi nhanh chóng từ người học.

Giảng viên cũng có thể tương tác, quản lý lớp học bằng tính năng này. Nếu những người học đang thực hiện một hoạt động, giảng viên có thể nói, “Hãy nhấp vào nút đồng ý ngay sau khi bạn hoàn thành bài tập” Khi hầu hết những người tham gia đã trả lời, người điều hành có thể tiếp tục hoạt động tiếp theo.


6. Bỏ phiếu (polling)


Tính năng bỏ phiếu được sử dụng để đặt câu hỏi khảo sát cho người học nhằm kiểm tra kiến thức và sự hiểu biết của người học về một chủ đề, tạo cuộc thảo luận bằng cách sử dụng các câu hỏi ý kiến hoặc thu thập phản hồi từ người học.


Một số chương trình cho phép đặt nhiều câu hỏi trong cùng một cuộc khảo sát. Ngoài ra, một số nền tảng cho phép bạn tạo các cuộc khảo sát trước buổi học và lưu trữ chúng dưới dạng các tệp riêng biệt có thể được tải lên lớp học khi cần.


Đặt ra các câu hỏi để bỏ phiếu là một cách thú vị để thu hút người học trong lớp học. Ví dụ: bạn có thể tạo một số câu hỏi để đánh giá nhanh mức độ hiểu bài của học viên, đồng thời giúp họ ôn tập các nội dung đã học. Sau đó, tuỳ vào kết quả, bạn sẽ giải thích lại những nội dung mà học viên trả lời sai nhiều nhất để giúp họ hiểu rõ và ghi nhớ tốt hơn.


7. Chia nhóm (breakout room)


Tính năng chia nhóm sẽ giống với các hoạt động của nhóm nhỏ trong lớp học trực tiếp. Tính năng này cho phép giảng viên chia lớp học thành các nhóm nhỏ hơn để hoàn thành một bài tập. Ví dụ: một lớp có 15 học viên có thể chia thành ba nhóm, mỗi nhóm năm người.


Số lượng phòng chia nhóm có sẵn phụ thuộc vào từng phần mềm. Nhưng hầu hết phần mềm hiện nay đều cho phép bạn chia được nhiều nhóm. Khi được chia nhóm, người học sẽ được chuyển vào một phòng riêng, nơi họ chỉ nghe thấy các cuộc trò chuyện riêng tư của họ với nhau. Họ có thể chia sẻ tài liệu và bảng trắng với nhau. Giảng viên có thể di chuyển vào và ra khỏi các cuộc thảo luận nhóm, giống như cách họ đi quanh phòng để kiểm tra các nhóm nhỏ trong lớp học trực tiếp.

Tính năng chia nhóm cho phép giảng viên chia lớp học thành các nhóm nhỏ hơn.

Tính năng chia nhóm khuyến khích học viên tham gia và thảo luận nhóm nhỏ. Tính năng này có thể được sử dụng để thực hành các kỹ năng học được trong buổi học. Ví dụ: nếu lớp học học các kỹ thuật về cách bắt đầu cuộc trò chuyện, các cá nhân có thể thực hành các kỹ thuật đó trong môi trường nhóm nhỏ.


Nguồn tham khảo ATD - Dịch bởi Đỗ Thành Công


Đỗ Thành Công

Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD

Comentarios


bottom of page