Các vận động viên và nhạc sĩ đẳng cấp thế giới có điểm gì chung? Câu trả lời là họ dành hàng giờ mỗi ngày để luyện tập. Các nhạc sĩ thực hiện các bài tập khởi động, luyện tập các kỹ thuật cơ bản và chơi đi chơi lại các bản nhạc. Trước buổi biểu diễn trước công chúng, họ thực hiện một buổi tổng duyệt hoàn chỉnh để đảm bảo tất cả các thành phần của buổi biểu diễn đều đã sẵn sàng. Các vận động viên cũng tập luyện thường xuyên. Họ thực hành các kỹ năng cơ bản, diễn tập và mô phỏng các tình huống trong ngày thi đấu. Tùy thuộc vào môn thể thao, họ có thể luyện tập với những người còn lại trong đội hoặc có thể tự luyện tập. Luyện tập giúp bạn hoàn hảo hơn!
Là giảng viên ở lớp học trực tuyến, bạn cũng cần phải làm như vậy: luyện tập, luyện tập, và luyện tập. Bạn nên thực hành một mình và cả với những người khác. Bạn nên thực hành các kỹ năng giảng dạy trực tuyến cơ bản, mô phỏng môi trường lớp học trực tuyến và thực hiện các “buổi tổng duyệt” để chuẩn bị cho mọi tình huống.
Tất cả các giảng viên, bất kể kinh nghiệm hay trình độ kỹ năng, đều nên dành thời gian để thực hành cách giảng dạy qua mạng. Bạn có thể đã giảng dạy một lớp học trực tuyến rất thành công, nhưng điều này không đảm bảo rằng với lớp học trực tuyến, bạn cũng sẽ thành công như vậy.
THỰC HÀNH TỔNG THỂ
Nếu bạn chưa quen với việc giảng dạy lớp học trực tuyến, hãy bắt đầu với các buổi thực hành tổng thể. Ban đầu, bạn có thể đề nghị làm trợ lý trong lớp học trực tuyến của người khác, hoặc thực hành giảng dạy với chính các đồng nghiệp, bạn bè của mình.
Khi bạn thực hành, hãy tập trung vào việc làm quen với công nghệ và cách truyền tải thông tin. Đây là cơ hội để bạn làm quen với phần mềm dạy học, và thực hành đa nhiệm. Hãy luyện tập thường xuyên nhất có thể và nhiều hơn mức bạn nghĩ mình cần.
Nếu bạn là một giảng viên trực tuyến đã có kinh nghiệm, hãy sử dụng thời gian luyện tập này để nâng cao các kỹ năng của mình và tăng trải nghiệm học của người học. Một chi tiết nhỏ cũng giúp bài giảng của bạn thú vị hơn rất nhiều. Ví dụ, bạn đã loại bỏ các từ “à, ừm…” khỏi bài giảng của mình chưa? Hãy ghi hình lại các buổi luyện tập, xem lại và xác định những điểm cần cải thiện.
Lưu ý, mỗi lần thực hành, bạn chỉ nên cố gắng cải thiện một khía cạnh mà thôi. Ví dụ: lần thực hành một sẽ tập trung vào tốc độ nói, lần thứ 2 tập trung vào cách lựa chọn từ ngữ…
NHẬN XÉT
Nếu bạn là người mới, hãy mời những người bạn quen và tin tưởng tham gia vào các buổi thực hành. Hãy yêu cầu những người này giúp bạn đánh giá trung thực, khách quan về kỹ năng giảng dạy của bạn. Điều quan trọng khi nhận được phản hồi là lắng nghe và cởi mở với những góp ý để thay đổi. Sau đây là danh sách một số tiêu chí đánh giá
Giọng nói (có rõ ràng không? dễ nghe? âm điệu và cao độ tốt?)
Lựa chọn từ ngữ (có từ đệm nào không? Huấn luyện viên tự nói không cần thiết?)
Tốc độ nói (quá nhanh? quá chậm? vừa phải?)
Hướng dẫn hoạt động (rõ ràng, ngắn gọn và đầy đủ?).
DẠY THỬ
Bạn nên có ít nhất hai buổi dạy thử và bạn hãy giảng dạy như một buổi dạy chính thức. Buổi dạy thử đầu tiên giúp bạn kiểm tra lại các vấn đề kỹ thuật, công nghệ và quy trình giảng dạy. Buổi dạy thử thứ hai sẽ giúp bạn kiểm tra lại mọi sự thay đổi đã được thực hiện sau buổi dạy thử đầu tiên.
Trong buổi dạy thử, điều quan trọng là bạn phải luôn sử dụng chính xác phần mềm lớp học trực tuyến mà bạn sẽ sử dụng cho lớp học của mình. Những phần mềm lớp học trực tuyến khác nhau sẽ có một số khác biệt nhỏ. Những khá biệt này có thể khiến bạn lúng túng nếu bạn không thực sự hiểu về chúng.
Đối với người tham gia buổi dạy thử, bạn hãy mời những không biết gì về nội dung giảng dạy hay cách thiết kế khoá học. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn, nhận xét từ những người học. Đồng thời, bạn cũng nên mời đồng nghiệp, những người có chuyên môn tham gia. Họ sẽ cho bạn những phản hồi quý giá về quy trình, thời gian, cũng như các mẹo để cải thiện kỹ năng giảng dạy của bạn.
Khi tiến hành buổi dạy thử thứ hai và thứ ba, hãy mời thêm những người mới tham gia. Sự kết hợp giữa người học cũ và mới sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về lớp học của mình.
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG BUỔI DẠY THỬ
Khi dạy thử, bạn cần lưu ý một số điều trong quá trình thực hiện:
Lựa chọn hoạt động: Đây có phải là hoạt động tốt nhất? Nó có thu hút người tham gia không?
Chuyển tiếp các hoạt động: Các hoạt động diễn ra từ hoạt động này sang hoạt động khác như thế nào? Có theo thứ tự tốt nhất không? Quá trình chuyển đổi giữa các hoạt động có suôn sẻ và liền mạch không?
Hướng dẫn: Người tham gia có biết chính xác họ nên làm gì không? Có cần thêm hướng dẫn gì không?
Phương tiện trực quan: Các phương tiện trực quan (chẳng hạn như slide PowerPoint, bảng trắng và tài liệu) có phù hợp với nội dung khóa học không?
Thời gian: Thời gian thực tế so với thời gian dự kiến như thế nào? Hoạt động nào cần nhiều thời gian hơn? Ít thời gian hơn?
Chuyển tiếp giữa các giảng viên: Nếu có nhiều người cùng trình bày/đào tạo, quá trình chuyển tiếp giữa các diễn giả có suôn sẻ và liền mạch không?
Buổi dạy thử nên được thực hiện cách xa buổi dạy chính thức đầu tiên để bạn có thêm thời gian cải thiện các sai sót và thay đổi cho phù hợp.
LƯU Ý VỀ THỜI GIAN
Cũng giống như trong lớp học trực tiếp, thời gian giảng dạy có thể không diễn ra như dự kiến. Buổi học có thể đi chệch hướng hoặc có thể có ai đó nói quá nhiều. Bạn cũng có thể có nhiều người tham gia hơn bạn mong đợi, điều này khiến một số hoạt động mất nhiều thời gian hơn.
Do đó, trong quá trình thực hành, hãy xác định những lĩnh vực nội dung có thể rút ngắn mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu học tập của lớp. Ví dụ: nếu bạn thường yêu cầu học viên chia sẻ ví dụ cá nhân, bạn có thể chỉ cần yêu cầu hai học viên chia sẻ.
Nguồn tham khảo ATD - Dịch bởi Đỗ Thành Công
Đỗ Thành Công
Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD
Co-founder, Vietnam Learning Design Group
ความคิดเห็น